Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:03

Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:03

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:29 ngày 12/11/2020

Chuyển biến rõ nét về thị trường sản xuất, sử dụng nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng

Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO thực hiện trong 5 năm qua đã góp phần giảm mức năng lượng tiêu thụ lên tới 2.905.368 GJ/năm và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 487.866 tấn CO2/năm.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” được triển khai từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2020, hướng đến các nhóm đối tượng gồm: Các doanh nghiệp công nghiệp trong các ngành như giấy và bột giấy, dệt may, chế biến thực phẩm, hóa chất và phân bón, chế biến gỗ...; các doanh nghiệp chế tạo, cung cấp nồi hơi.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội thảo kết thúc Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” diễn ra ngày 11/11, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng điển hình như: Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 và gần đây là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2017 - 2030.
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện khung thể chế và luật pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành kinh tế của đất nước như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với một hệ thống các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan được ban hành và liên tục được bổ sung hoàn thiện để hướng dẫn thi hành Luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể và hiệu quả từ nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức hợp tác phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Chính phủ Đan Mạch, Đức, Pháp... thông qua những gói hỗ trợ về tài chính cũng như việc chuyển giao những kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật tiên tiến đang được ứng dụng các nước phát triển.
“Dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO thực hiện (trong giai đoạn 2015 - 2020) là một trong những sự hỗ trợ kỹ thuật có giá trị của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đây cũng là dự án thứ hai về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do UNIDO hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam” - ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Hội thảo kết thúc dự án “Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”
Theo đại diện Ban Quản lý dự án, sau 5 năm thực hiện, dự án đã góp phần hoàn khung chính sách và quy định/hướng dẫn về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật, tài chính và kinh doanh để thúc đẩy việc sản xuất, chế tạo và sử dụng rộng khắp nồi hơi hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Một số kết quả nổi bật mà dự án đã đạt được như: 2 tiêu chuẩn quốc gia về nồi hơi công nghiệp đã được bổ sung/sửa đổi và ban hành vào 12/2019; một đội ngũ các nhân viên kiểm định nồi hơi, chuyên gia quốc gia và kỹ sư của các doanh nghiệp công nghiệp được trang bị kỹ năng và kiến thức về đánh giá hiệu suất nồi hơi và các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi đã cung cấp dịch vụ cho 390 doanh nghiệp công nghiệp liên quan đến cải thiện hiệu suất nồi hơi cũng như kiểm định hiệu suất nồi hơi hiệu quả năng lượng mới.
Bên cạnh đó, năng lực kỹ thuật kỹ năng vận hành nồi hơi hiệu quả của nhân viên của nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã được cải thiện; năng lực thực hành sản xuất nồi hơi hiệu quả năng lượng của các công ty sản xuất chế tạo nồi hơi trong nước được cải thiện; 159 doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi; 72 doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các dự án thay thế nồi hơi cũ hiệu suất thấp bằng nồi hơi mới hiệu quả năng lượng. Dự án đã góp phần giảm mức năng lượng tiêu thụ hàng năm đo lường được là 2.905.368 GJ/năm và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 487.866 tấn CO2/năm.
Tạo điều kiện mở rộng hoạt động của dự án
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Đại diện quốc gia Văn Phòng UNIDO tại Việt Nam chia sẻ: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của dự án, đó là: Chương trình đào tạo được chuẩn bị với chất lượng cao và phương pháp đào tạo hiệu quả. Các gói đào tạo về kỹ thuật đánh giá hiệu suất nồi hơi, sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng, các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ khoảng 30 năm UNIDO hỗ trợ việc phát triển công nghiệp bền vững và sản xuất sạch hơn.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia Văn phòng UNIDO Việt Nam
Việc kết hợp giữa đào tạo trên lớp và tại nhà máy cùng với việc thực hành ứng dụng thực tế tại các nhà máy trong chương trình đào tạo chuyên gia đã giúp các chuyên gia quốc gia không chỉ nâng cao được kiến thức mà còn cả kỹ năng sử dụng các công cụ đo lường, kỹ năng giao tiếp với những người chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, kinh nghiệm tư vấn chuyên môn.
“Nhìn lại quãng đường 5 năm qua, chúng ta đã cùng nhau đi được một quãng đường khá dài trong việc tạo một sự chuyển biến rõ nét về thị trường sản xuất và sử dụng nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam từ việc hỗ trợ chính sách, nâng cao nhận thức, đào tạo và xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước, cũng như hỗ trợ các dự án cải thiện và thay thế nồi hơi hiệu quả năng lượng” - bà Lê Thị Thanh Thảo khẳng định.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Thảo cho rằng: Thách thức trong phát triển công nghiệp bền vững còn rất lớn. Trong một báo cáo về công nghiệp Việt Nam do văn phòng UNIDO thực hiện gần đây, chỉ ra hiệu suất phát thải CO2 trên một đơn vị giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng lên rất nhanh kể từ năm 2008 trở lại đây. Do đó, UNIDO mong rằng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tạo điều kiện mở rộng các hoạt động của dự án như: Tiếp tục đào tạo về đánh giá hiệu suất nồi hơi và các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi cũng như các thực hành vận hành nồi hơi tốt nhất cho các doanh nghiệp công nghiệp khác...
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững: Bộ Công Thương đánh giá rất cao các kết quả đạt được của dự án. Dự án đã góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi và phát triển thị trường nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang