Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 02:43

Thứ ba, 21/05/2024 | 02:43

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:35 ngày 27/11/2020

Doanh nghiệp bán lẻ: Tìm nguồn thu từ lĩnh vực kinh doanh mới

Sự thay đổi xu hướng mua sắm đang thúc đẩy DN bán lẻ nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức phù hợp, nhằm phục vụ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.
Khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, số người tiêu dùng (NTD) mua sắm online tăng lên 25%, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%. Lý do tăng mua hàng online bên cạnh tiện lợi còn có nhiều chương trình khuyến mại, giá rẻ. Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty Kantar, mua sắm trực tuyến gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng, thậm chí ở nhóm người trên 50 tuổi và ở khu vực nông thôn.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Khu vực phía Bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - cho biết, bên cạnh tiết kiệm thời gian, NTD muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện lợi. Đây là cơ hội hấp dẫn đối với các DN lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
MWG kỳ vọng sẽ tăng tốc mở rộng mô hình Điện Máy Xanh supermini lên 300 cửa hàng
Bối cảnh dịch bệnh cũng khiến NTD chú trọng yếu tố tiện lợi nhiều hơn thay vì ưa chuộng giải pháp mua sắm kết hợp giải trí như trước đây. Thực trạng này gây ảnh hưởng khá lớn đến các DN bán lẻ truyền thống, vì thế, để đón nhận và thích nghi với sự thay đổi tiêu dùng, cùng với việc mở rộng chi nhánh, cửa hàng, các DN bán lẻ cũng phải thay đổi hình thức tiếp cận.
Thực tế cho thấy, để bắt kịp với xu thế, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã áp dụng chính sách bán hàng đa kênh phục vụ cả nhu cầu mua sắm online và offline. Người tiêu dùng vẫn có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng nhưng lại thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ ưu đãi. Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của đơn vị bán lẻ nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng.
Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Vinmart, đội quân đi chợ hộ có thể kết nối với người tiêu dùng thông qua 3 kênh mua hàng linh hoạt: Điện thoại thông minh, qua app và website. Hay như Thế giới di động cũng nhanh chóng giới thiệu sản phẩm “đi chợ thay cho khách hàng”, bao gồm cả thực phẩm tươi sống. Trong khi đó, nhằm thúc đẩy doanh thu, FPT Retail đề ra chiến lược bán hàng đa kênh trên nền tảng điện tử bao gồm: Hợp tác với các thương hiệu điện thoại mạnh về phân phối qua kênh điện tử; hợp tác với các nhà bán lẻ khác để cung cấp danh mục sản phẩm mới; mua sắm xuyên biên giới thông qua hợp tác với Fado... Ðây là những động thái rất nhanh nhằm thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ.
DN cũng tập trung vào các yếu tố tiện lợi thay vì siêu thị, đại siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi có sự tăng trưởng mạnh với doanh thu tăng cao. Nhiều DN bán lẻ đã nhân rộng mô hình, mở rộng ra các khu vực ngoại thành hoặc tìm nguồn thu từ các lĩnh vực kinh doanh mới. Điển hình như gần đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di dộng (MWG) đưa vào hoạt động hệ thống Điện Máy Xanh supermini, với kỳ vọng sẽ tăng tốc mở rộng mô hình này lên 300 cửa hàng và tiến tới doanh thu mục tiêu 500 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Theo Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt 3.263,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang