Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 18:08

Thứ hai, 20/05/2024 | 18:08

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:08 ngày 12/07/2013

Nguyên tắc lựa chọn công nghệ cho lò điện hạt nhân

 

Hiện nay, việc lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân (NM ĐHN) đầu tiên ở Việt Nam vẫn chưa được quyết định. Việc lựa chọn công nghệ lò phản ứng năng lượng nguyên tử là bài toán khó, vì hiện trên thị trường, có nhiều sự lựa chọn về cả công nghệ cũng như đối tác và chúng ta còn yếu về mọi mặt trong chương trình ĐHN, lại chưa mạnh về kinh tế - tài chính và tiềm lực khoa học- công nghệ.

 


Nhiều người cho rằng, muốn lựa chọn công nghệ cho hợp lý, thì phải xây dựng những nguyên tắc lựa chọn, phải nghiên cứu kỹ công nghệ các loại lò. Từ đó, dựa trên các nguyên tắc để đánh giá và lựa chọn công nghệ sao cho phù hợp.

Tính đến nay, thế giới có khoảng 440 lò phản ứng năng lượng hạt nhân đang hoạt động tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng hơn 16% tổng nhu cầu điện năng của nhân loại với trên 10 loại lò đang được sử dụng và nghiên cứu phát triển.

Theo Báo cáo tiền khả thi về xây dựng NM ĐHN ở Việt Nam thì, từ khi có điện hạt nhân, đã có 3 thế hệ lò:

- Lò thế hệ Ι gồm có những lò như Shippingport (Hoa Kỳ), Magnox (Anh) hay UNGG (Pháp). Phần lớn các lò này đã hoặc đang được tháo dỡ.

- Lò thế hệ II gồm các kiểu lò PWR (Pressurized Water Reactor – lò nước áp lực) và BWR (Boiled Water Reactor – lò nước sôi) của châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật; VVER và RBMK (lò năng lượng nước của Nga); Candu nước nặng (của Canada, Ấn Độ)...

Các lò chuyển tiếp thế hệ III với nước áp lực, như EPR (European Pressurized Reactor - lò nước áp lực châu Âu) 1.600MW và với nước sôi, như SWR 1000-1250 MW (có thiết bị an toàn thụ động) được Pháp và Đức chung sức nghiên cứu hơn 15 năm nay, hoặc lò AP 1.000 của Hoa Kỳ chế tạo (nguyên tắc an toàn thụ động) sẽ có hiệu suất và mức độ an toàn cao.

- Các lò thế hệ III, tuy mới ra đời, nhưng đã được nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời vì cùng một kỹ thuật với các lò PWR. Tuy nhiên, giá thành của các loại lò này thường cao hơn các loại thế hệ II khoảng 1,5 đến 2 lần (đơn giá cho 1 kW công suất khoảng 6.000 USD).

Phần Lan là nước duy nhất ở EU đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thế hệ III EPR, mua của Pháp với giá ban đầu dự toán 2,5 tỷ Euro, sau đó, vì lý do an toàn phải chấp nhận tăng giá lên 4 tỷ Euro và chậm tiến độ 3 năm. Ngoài ra, hiện chỉ có Điện lực Pháp có dự kiến đặt mua một số lò thế hệ III EPR để thay thế các lò hết thời hạn vận hành vào khoảng các năm 2017-2022. Lò AP 1.000 chỉ mới bắt đầu được cấp phép năm 2005, hiện cũng chưa có nước nào đưa vào vận hành.

Lò thế hệ IV đang được 10 nước chung sức nghiên cứu trong khuôn khổ Forum International Generation (FIG), do Hoa Kỳ đề xướng từ năm 2000 với 6 kiểu lò (3 lò neutron nhanh, 3 lò nhiệt) đã được lựa chọn.

Các lò tương lai này có khuynh hướng tiến tới chu kỳ kín, nghĩa là các lò phải có khả năng đốt cháy phần lớn chất thải (lò nhanh) để đáp ứng 4 tiêu chuẩn chính là tiết kiệm tài nguyên; tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu; hạn chế chất thải phóng xạ; hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.

Vì đang còn trong thời kỳ phôi thai, nên phần lớn các lò này, trên lý thuyết là an toàn hơn, nhưng chưa thể xuất hiện trên thị trường trước những năm 2035-2040.

Được biết, phương án mà chủ đầu tư (EVN) đề xuất, dự kiến công nghệ lựa chọn thuộc thế hệ thứ II. Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Vì sao lại lựa chọn công nghệ thế hệ thứ II không an toàn mà các nước tiên tiến đang chuẩn bị thay thế khi các lò thế hệ này hết hạn sử dụng (phần nhiều lò hết hạn sử dụng vào khoảng những năm 2020) và chúng ta sẽ còn gặp khó khăn về bảo trì, bảo dưỡng và thiết bị thay thế?”.

Theo chúng tôi, lựa chọn công nghệ nào cũng phải dựa trên những nguyên tắc nhất định đã được thẩm định kỹ và phê duyệt, có trách nhiệm với nhân dân. Có lẽ những nguyên tắc không thể thiếu đó là: mức độ phổ biến và thương mại hoá; các hệ thống đảm bảo an toàn; các chỉ tiêu chất lượng vận hành; xử lý chất thải phóng xạ; chu trình nhiên liệu và cung cấp nước nặng; các chỉ tiêu kinh tế và vấn đề thu xếp tài chính cũng như vấn đề quan hệ chính trị và thương mại…

Nhiều người đã lo ngại, nếu không đủ vốn (Giá thành theo “chủ quan” thì chỉ cần khoảng 16 tỷ USD, nhưng nếu thực hiện xong chắc chắn không ở con số đó và có người đã tiên đoán dựa theo kinh nghiệm thực tiễn là hơn 30 tỷ USD) thì việc quyết định phê duyệt dự án cần phải cân nhắc kỹ từ thời điểm thực hiện, quy mô của dự án để tránh tình trạng “quy hoạch treo” và sẽ làm phát sinh tăng vốn đầu tư lên nhiều lần so với dự toán ban đầu. Nhất là trong điều kiện suy giảm phát triển kinh tế ở nước ta trong một vài năm tới ngày càng rõ nét thì khả năng huy động vốn như vậy liệu có khả thi?

Trên thế giới, việc xử lý chất thải phóng xạ hiện là một vấn đề chưa có hướng giải quyết triệt để. Thông thường, tại nhiều nước, các chất bó thanh nhiên liệu đã cháy này được lưu giữ tại nhà máy (thời hạn có thể đến 50 năm), chờ đến khi được vận chuyển đến địa điểm cố định. Tuy nhiên, chưa nước nào có được một địa điểm ổn định lưu giữ chất phóng xạ cao này cho thời gian dài (1.000 – 100.000 năm), mà mới chỉ ở mức độ mô phỏng trên mô hình (Pháp), hoặc chuẩn bị xây dựng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và chống đối (Núi Yucca, Mỹ). Đây là vấn đề khó, mà Việt Nam dường như cũng chưa có lời giải!

Về vấn đề an toàn, thế giới có nhiều biện pháp hữu hiệu như “an toàn thụ động” là lò phản ứng năng nượng nguyên tử tự xử lý sự cố mà không cần con người. Thế nhưng, trên thế giới cũng chưa thấy một công ty bảo hiểm nào dám nhận bảo hiểm NM ĐHN.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn hạt nhân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và nhất là sau sự cố tại Chéc-nô-bưn (U-crai-na năm 1986) thì vấn đề này ngày càng tốt hơn. Nhiều thế hệ lò phản ứng hạt nhân an toàn đã ra đời và con người có thể tin tưởng được. Nước ta nên chọn công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng qua thời gian. Khi xây nhà máy ĐHN, thì còn cần phải có sự giám sát của quốc tế và phải tuân theo tiêu chuẩn chung của thế giới.

Những năm gần đây, Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... tổ chức nhiều hội thảo nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phát triển ĐHN. Nếu chúng ta biết khai thác những mặt có lợi cho nước nhà là nên thúc đẩy các đối tác thành lập một “tổ hợp” gồm nhiều nước để làm việc với Việt Nam về ĐHN gồm Mỹ, Pháp, Nga, Nhật… Như vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều thuận lợi, vì huy động được nhiều vốn hơn, tạo mối quan hệ đa phương bền vững, lâu dài và một rào chắn chính trị, nghĩa là các nước tham gia đều có quyền lợi, giảm "sự đối đầu" giữa họ với nhau. Nói cách khác, chúng ta có thể kết hợp ưu điểm công nghệ riêng của nhiều nước khác nhau vì một nhà máy ĐHN rất lớn, nhiều thiết bị, phụ tùng. Làm như thế sẽ tốt hơn so với chỉ có một đối tác.

Chúng ta cần hết sức thận trọng và tỉnh táo trước sự vận động hành lang, tuyên truyền một chiều của các công ty nước ngoài về công nghệ điện hạt nhân của họ chỉ vì mục đích sao cho bán được lò hạt nhân, nhằm tránh mua phải công nghệ đã lỗi thời của công ty đó, kể cả các lò đã lạc hậu, thiếu an toàn, bất chấp các hậu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cho nước ta, thậm chí có thể biến nước ta thành bãi thải công nghệ điện hạt nhân. Nhiều người nói, Nhà nước cần cảnh giác với các “đoàn tham quan nước ngoài” do đối tác tài trợ. Chúng ta không thiếu những bài học về nhiều dự án, lúc đầu người ta phản đối vì Việt Nam bị thiệt… nhưng sau những lần tham quan, khảo sát do đối tác mời (kể cả được cho đi chơi Anh, Pháp, Mỹ… và có “quà”) về nước, thì chính những người phản đối lại ủng hộ. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu điều này xảy ra với NM ĐHN thì hậu quả thật khôn lường và thiệt hại sẽ lớn vô cùng so với những gì một số người được hưởng!

Để bảo đảm tính an toàn và kinh tế của điện hạt nhân, chúng ta cần phải nhập thế hệ lò tiên tiến nhất có thể, tức lò thế hệ III, hoặc thậm chí chờ thêm một thời gian nữa để nhập về lò thế hệ thứ IV cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Hy vọng, kỳ họp Quốc hội tháng 4/2009 sẽ có những quyết định sáng suốt, hợp lòng dân và hợp thời thế./.


 Thu Hương

lên đầu trang