Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 12:15

Thứ ba, 21/05/2024 | 12:15

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:12 ngày 21/12/2020

Dồn lực tìm kiếm, khai thác nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần phải cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư khoa học công nghệ phát triển và dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài để thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Chiều ngày 18/12, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế tổ chức Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ, tăng cường hiệu quả và định hướng nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, quy mô nền kinh tế được nâng lên. Khi bước vào đổi mới, năm 1989 GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020 thì quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người là 159 USD, năm 2020 ước đạt 2.750 USD.
Trong sự phát triển chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được bắt đầu từ năm 1988, tính đến 8/2020, đã có 32.539 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển.
Để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, việc thay đổi mô hình phát triển để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế đặt ra ngày một mạnh mẽ hơn với các nền tảng đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực con người. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng được điều chỉnh phù hợp theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá.
Với vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, góp phần phát huy hiệu quả của dòng vốn FDI thông qua tăng cường quản lý, định hướng, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tiêu biểu là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn
“Việt Nam, một mặt cần phải cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư khoa học và công nghệ phát triển, đặc biệt là việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, mặt khác, chúng ta cần dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài gồm có cả công nghệ, chuyên gia để thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
TS. Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: Nhiều năm qua Việt Nam luôn quan tâm đề cao các chủ chương chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nhờ đó, khoa học công nghệ đang từng bước đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn chung vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Tăng trưởng sản xuất, dịch vụ dựa vào khoa học công nghệ vẫn còn thiếu tính bền vững; một số ngành, lĩnh vực chủ lực mặc dù được ưu tiên, hỗ trợ để mở rộng quy mô, phát triển công nghệ nhưng sản phẩm vẫn có hàm lượng chế biến và hàm lượng công nghệ thấp.
“Tốc độ đổi mới công nghệ thấp, hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất công nghiệp dưới trung bình chiếm tỷ trọng cao, tụt hậu so với mức trung bình của thế giới. Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI là rất thấp” - TS. Tô Hoài Nam nêu.
TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như EVFTA, RCEP… với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ… Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt. "Để nắm bắt được các cơ hội này, ngành khoa học và công nghệ nước ta cần phải nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tâm thế chủ động và tích cực" - TS. Phạm Văn Tân chia sẻ.
Cụ thể, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu trực tuyến, giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ, trình diễn các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang