Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 13:11

Thứ hai, 06/05/2024 | 13:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:37 ngày 14/01/2021

Sẵn sàng cuộc đua với RCEP

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, vì bao trùm một thị trường khổng lồ với gần 30% dân số và GDP toàn cầu. Do đó, được kỳ vọng mang lại cục diện mới cho thương mại khu vực và thế giới. Tận dụng cơ hội từ RCEP, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Khu vực thị trường rộng lớn
“RCEP đã được ký kết, khi thực thi sẽ bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu (XK) và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là một ưu tiên quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực trong bối cảnh đại dịch. Đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với cam kết về mở cửa thị trường trên lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đầu tư, đơn giản thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại của các nước tham gia” - ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - đánh giá.
Thực thi các FTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố phía Nam cũng là những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực thi các FTA, tận dụng tốt các lợi thế mang lại để gia tăng XK, thu hút đầu tư.
Tại tỉnh Đồng Nai, các DN trên địa bàn cũng khá quan tâm đến RCEP do đây là thị trường xuất nhập khẩu (XNK) lớn của địa phương. Đồng thời, một số nước tham gia RCEP còn là đối tác đầu tư lớn vào Đồng Nai như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Do đó, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp Đồng Nai mở rộng thị trường XNK và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trung bình hàng năm các DN Đồng Nai XK vào ASEAN khối lượng hàng hóa trị giá 1,42 tỷ USD. Đồng thời, ASEAN cũng là thị trường mà địa phương xuất siêu trong thời gian qua.
Từ phía cộng đồng DN TP. Hồ Chí Minh - ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: RCEP khi được thực thi sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh XK sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. Từ phía thị trường nội địa, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu (NK) hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Bởi chỉ tính riêng ASEAN, NK nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp XK quan trọng như: Điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ôtô…
Cũng không nằm ngoài khu vực thị trường rộng lớn của RCEP, các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... thời gian vừa qua cũng đã tập trung phát triển XK, thu hút đầu tư rất mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên RCEP.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam – EU (EVFTA); RCEP được đánh giá là hiệp định quan trọng, mở ra điều kiện để hàng hóa của địa phương XK vào thị trường cao cấp. Rất nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh có thể XK hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, thủy-hải sản…
Tận dụng tốt nhất các cơ hội
Để giúp DN tận dụng được RCEP, các địa phương cho biết sẽ chủ động triển khai các giải pháp cụ thể về cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về thủ tục XK; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, chính quyền luôn đồng hành, sát cánh cùng các DN tận dụng cơ hội từ các FTA với nhiều nhóm giải pháp cụ thể và toàn diện.
Vấn đề đặt ra đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa là việc đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. “Do đó, để đón đầu xu thế hội nhập, tận dụng những cơ hội từ RCEP nói riêng và các FTA nói chung, DN cần đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh với các DN nước ngoài, hạn chế những thách thức, rủi ro phát sinh” - ông Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập, phát triển, mở rộng thị trường, các ngành chức năng cần cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường. Các sở, ngành, hiệp hội, Hội DN cần tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các kênh kết nối, tổ chức xúc tiến thương mại trong khu vực và tham tán ở các nước, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, nhất là ở các nước là đối tác, thành viên của Hiệp định. Từ đó, góp phần hỗ trợ DN mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, XK; tạo điều kiện hỗ trợ DN đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt đối với những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng tỉnh, thành phố trong vùng.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc VCCI - chi nhánh TP.Hồ Chí Minh: RCEP đã ký kết, đại dịch Covid-19 cũng lắng xuống, đây sẽ là cơ hội để các tỉnh, thành phố hoàn thành mục tiêu XK, thu hút FDI năm 2020 và giai đoạn 2016- 2020, tạo đà phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Theo: Kinh tế Việt Nam


Tag:
lên đầu trang