Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 22/05/2024 | 03:58

Thứ tư, 22/05/2024 | 03:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:32 ngày 18/04/2013

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành Điện

Ứng dụng, đổi mới và làm chủ công nghệ

 

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của Tập đoàn đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó nổi bật nhất là hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất thông qua các dự án đầu tư để nhập khẩu công nghệ, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài, nhằm phát triển nguồn điện, lưới điên, hệ thống điều khiển, điều độ, thông tin -viễn thông điện lực trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hệ thống điện.


Thông qua các dự án đầu tư, các giải pháp công nghệ hiện đại sử dụng công nghệ tiên tiến được tăng cường sử dụng trong hệ thống điện Việt Nam, cụ thể như: Các cụm tuabin khí chu trình hỗn hợp góp phần tăng cao hiệu suất phát điện được trang bị các thiết bị hiện đại với hệ thống điều khiển tự động tiên tiến (các tổ máy công suất 150-200 MW tại Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4…) ở miền Nam; các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy 300 MW ở miền Bắc (Phả Lại 2, Quảng Ninh, Hải Phòng...); các công trình thủy điện ứng dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn (A Vương, Pleikrong, Sê San 4...); bê tông bản mặt (Quảng Trị, Tuyên Quang, An Khê Kanak...) góp phần tiết kiệm vốn đầu tư, rút ngắn thời gian xây dựng và sớm đưa vào vận hành phát huy hiệu quả; các đường dây và trạm biến áp với cấp điện áp đến 500 kV (hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam, Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm 500 kV, trạm GIS 220 kV Tao Đàn...) được lắp đặt và làm chủ công nghệ mới, đồng bộ cả nhất thứ, nhị thứ, góp phần tăng cường cho hệ thống điện Việt Nam vận hành ổn định và tin cậy...

Việc đưa hệ thống SCADA vào vận hành tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, các trung tâm điều độ miền cũng như việc đầu tư và phát triển công nghệ mới IP, CDMA, từng bước thực hiện cáp quang hóa mạng truyền dẫn,... tại Công ty Viễn thông Điện lực là những minh chứng cụ thể về tiếp thu, làm chủ công nghệ nhập, nâng cao trình độ công nghệ phục vụ phát triển của Tập đoàn.

 

Nâng cao năng lực nội sinh

Kể từ khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) được thành lập đến nay, đồng hành với việc ứng dụng, đổi mới  và làm chủ công nghệ thông qua các dự án đầu tư, EVN đã nhận thức rõ vai trò then chốt của KH&CN là nền tảng và động lực để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các đơn vị trong Tập đoàn.

Các đề tài, dự án KH&CN của EVN được định hướng triển khai thực hiện phải đạt hiệu quả kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu KH&CN hiện đại, làm chủ công nghệ tiên tiến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực... và đặc biệt phải xuất phát và bám sát từ nhu cầu nảy sinh trong thực tế và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Với định hướng hoạt động KH&CN phục vụ đắc lực cho thực tế sản xuất kinh doanh nên kết quả từ các đề tài, dự án KH&CN đã và đang là căn cứ khoa học cho EVN trong quản lí, điều hành; trong quy hoạch nguồn và lưới điện; hướng dẫn công tác thiết kế thi công; tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động sản xuất thiết bị trong nước; tận dụng nguồn nhiên liệu sẵn có, nâng cao tiềm lực về KH&CN và phát triển nguồn nhân lực... Mặt khác, EVN đã đầu tư xây dựng và mua sắm nhiều thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm trọng điểm như: Máy đo điện trở suất; thiết bị phòng thí nghiệm trọng điểm cao áp; thiết bị đo nhiệt độ dầu, nước, khí; thiết bị siêu âm, thiết bị đo sóng sai số 0,1% (Phòng Thí nghiệm thủy lực); thiết bị đếm sét, cảm biến điện trường, máy ảnh kỹ thuật số (Phòng Thí nghiệm sét Gia Sàng); máy phân tích tổng hợp, máy đo nhiệt độ đến 1.600oC (Phòng Thí nghiệm chất đốt và khí sinh học); thiết bị kiểm tra độ đồng trục, máy kiểm tra tốc độ quay (Phòng Thí nghiệm năng lượng gió, mặt trời)...

Trong thời gian qua, nghiên cứu chính sách và chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nghiên cứu KH&CN của EVN, điển hình như: Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững của EVN giai đoạn 2004 - 2010; Đề án thiết lập Tổng sơ đồ phát triển Điện lực Việt Nam (Tổng sơ đồ VI); Đề án nghiên cứu sắp xếp quy hoạch lại các trường; Đề án sắp xếp lao động và việc làm đến 2010... Xây dựng các chiến lược của EVN như: Chiến lược phát triển công nghệ điện lực; chiến lược phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, chiến lược cơ khí điện lực, chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...; Triển khai các chương trình cân bằng năng lượng và nhiên liệu toàn quốc; tối ưu hóa hệ thông điện hợp nhất; khai thác hiệu quả các nhà máy điện; hệ thống điều khiển và tự động hóa lưới điện truyền tải, phân phối... là cơ sở để lập chiến lược phát triển ngành và xây dựng Tổng sơ đồ các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Do đánh giá đúng vai trò và nhiệm vụ của KH&CN, với đặc thù là ngành kinh tế - kỹ thuật đòi hỏi phải không ngừng nghiên cứu, làm chủ KH&CN hiện đại, mặc dù hoạt động nghiên cứu KH&CN trên cả nước nói chung còn nhiều khó khăn do ngân sách đầu tư hạn chế, song EVN vẫn luôn là một trong những tập đoàn kinh tế đi đầu trong việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cũng như trang thiết bị, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ, cải tiến kĩ thuật; khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị thành viên trong lĩnh vực thông tin và tư vấn KH&CN; đào tạo nâng cao nhận thức của các đơn vị về bảo vệ môi trường và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị xử lí môi trường... Nhận thức được vai trò quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, EVN đặc biệt quan tâm đến yêu cầu về phát triển bền vững. Ví dụ điển hình như nhà máy nhiệt điện cũ Phả Lại 1, Uông Bí, Ninh Bình đã được đầu tư thay thế toàn bộ thiết bị lọc bụi tĩnh điện có hiệu suất cao; cải tiến vòi đốt nhằm giảm phát thải khí và nâng cao hiệu suất đốt. Các nhà máy tua bin khí như Bà Rịa, Phú Mỹ đã triển khai nghiên cứu, lắp đặt đuôi hơi và hệ thống Fogging nhằm tăng công suất nhà máy và hiệu quả sử dụng nhiệt phục vụ mục đích phát điện...

Phát triển và nâng cao hiệu quả đội ngũ trí thức

Từ việc xác định tầm quan trọng của nguồn lực con người trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực có ý nghĩa to lớn trong thúc đẩy tăng cường hoạt động nghiên cứu KH&CN, EVN đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, từng bước nâng cấp các trường trung học điện lên thành trường cao đẳng, trường đại học... Điều này thể hiện sự quan tâm của Tập đoàn đối với việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tương lai. Một số lượng lớn các kĩ sư (đang tại chức) và những học sinh tốt nghiệp phổ thông xuất sắc là con cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn (được chọn vào lớp kĩ sư tài năng) hàng năm được cử đi đào tạo dài hạn và ngắn hạn bằng nguồn học bổng của Tập đoàn ở Học viện Công nghệ châu Á (AIT); ở các trường đại học danh tiếng của Nga và một số quốc gia khác. Đồng thời, EVN chú trọng tới việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài khi thực hiện chuyển giao công nghệ từ các dự án thủy điện, nhiệt điện, các dự án đường dây và trạm biến áp có công nghệ tiên tiến (500 kV, GIS....).

Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ tại các đơn vị, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, đội ngũ trí thức của EVN được tăng cường về tiềm lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một số hoạt động tiêu biểu như EVN hợp tác với các tổ chức tài trợ quốc tế (WB, ADB, JBIC, GEF, SDC, USAID,...) để triển khai hoạt động về KH&CN trong khuôn khổ các dự án đầu tư phát triển hệ thống nguồn, lưới điện; tham gia xây dựng tiêu chuẩn và hoàn chỉnh qui phạm trang bị điện... (hợp tác với Pháp và Nhật Bản); nghiên cứu công nghệ hệ thống pin mặt trời nối lưới (hợp tác với Đức); hợp tác khoa học với các tập đoàn ABB, Alstom, GE, Siemens,... để phổ biến thành tựu khoa học công nghệ mới, tiên tiến. Bên cạnh đó, nhằm phát huy hoạt động sáng tạo của mỗi người lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí... Các hoạt động sáng kiến cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất tại các đơn vị trong Tập đoàn luôn được phát động rộng rãi và đem lại hiệu quả to lớn, góp phần nâng cao hiệu suất và tính ổn định, an toàn sản xuất.

Đầu tư mang tính chiến lược

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiên tiến hiện đại, năm 2008 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành "Quy chế Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam" và "Chiến lược phát triển công nghệ điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025". Theo đó, EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động KH&CN với những mục tiêu trọng yếu là: Nghiên cứu khai thác sử dụng hiệu quả năng lượng sơ cấp trong nước cho các nhà máy điện; nghiên cứu khai thác hiệu qủa hồ chứa thủy điện, đặc biệt đối với các nhà máy thủy điện trên một dòng sông; nghiên cứu các giải pháp nâng cao độ tin cậy của hệ thống, nâng cao năng lực lưới điện, giảm tổn thất điện năng, giảm tổn thất điện năng truyền tải, nâng cao năng lực kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng, năng lực cạnh tranh trong thị trường điện.... Đồng thời, chú trọng phát triển công nghệ và thiết bị sản xuất điện phi tập trung, phát triển năng lượng tái tạo; đẩy mạnh nghiên cứu viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh điện năng.

Ngoài ra, để đảm bảo và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động KH&CN của Tập đoàn, các nghiên cứu KH&CN sẽ bám sát yêu cầu của thực tế sản xuất, kinh doanh của EVN theo cơ cấu tổ chức mới. EVN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai; nghiên cứu ứng dụng; tiếp nhận làm chủ công nghệ mới; phát triển công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa; khoán kinh phí trong nghiên cứu khoa học để chủ nhiệm đề tài chủ động trong quá trình thực hiện; tổ chức đấu thầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Tập đoàn... để hoạt động nghiên cứu KH&CN có thể đảm nhiệm tốt vai trò là "mắt xích" quan trọng trong "bánh xe liên đoàn" EVN.


Phan Thị Thuỷ Tiên

Trưởng ban KHCN&MT

 Tập đoàn Điện lực Việt Nam

 

 

 

lên đầu trang