Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 22:16

Chủ nhật, 05/05/2024 | 22:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:15 ngày 29/01/2021

Vmap: Bản đồ số “made in Vietnam”

Bản đồ số Việt Nam - Vmap (https://vmap.vn/) được xây dựng và triển khai từ tháng 8/2018 bởi nhóm nghiên cứu của Trung tâm Giám sát hiện trường (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Hội). Bên cạnh các tính năng cơ bản như: tìm kiếm địa chỉ, chỉ đường, Vmap sẽ đi theo một hướng đi khác biệt, đó là hiển thị lớp bản đồ riêng của các lĩnh vực trong cuộc sống và hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vmap là một những nội dung quan trọng của Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 với mục tiêu phát triển nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Người dùng có thể sử dụng bản đồ Vmap bằng cách truy nhập vào địa chỉ Vmap.vn
Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.
Do đó, sự ra đời của nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam do người Việt xây dựng sẽ cung cấp cho người dùng bản đồ chính xác về biên giới, hải đảo, địa giới Việt Nam; người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã. Đây là cơ sở cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…
Được ra ra mắt vào tháng 10/2019, hiện nay người dùng đã có thể sử dụng trên điện thoại di động bằng cách tải phần mềm từ các kho ứng dụng. Vmap có gần 20 nghìn lượt tải trên kho ứng dụng của IOS và Android. Địa chỉ https://vmap.vn/ đã thu hút nhiều người truy cập (nhiều nhất là 70 nghìn lượt truy cập/ngày). Cho đến nay, Vmap đã có 23,4 triệu dữ liệu địa điểm, địa chỉ, trong đó, cơ sở giáo dục có 53.000; cơ sở y tế 47.454; cơ sở lưu trú 7.880; cơ sở thông tin, truyền thông 12.000.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Vũ Văn Tích cùng các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Công nghệ tham gia xây dựng và phát triển Vmap.
Anh Lưu Quang Thắng, đại diện cho nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Giám sát hiện trường cho biết, khác với một số nền tảng bản đồ và định vị khác đang có mặt trên thị trường do các công ty nước ngoài phát hành, bản đồ số Vmap hiển thị các lớp bản đồ riêng, bao phủ toàn quốc, có khả năng hiển thị chi tiết địa chỉ từng số nhà ở cả thành thị, miền núi và vùng sâu vùng xa. Về dữ liệu biên giới, địa giới, hải đảo theo công bố của Nhà nước; mạng lưới đường tích hợp từ dữ liệu đa nguồn (Nhà nước, thuật toán, cộng đồng). Về kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đã tích hợp các thuật toán xử lý ngôn ngữ, tìm kiếm, chỉ đường tối ưu cho tiếng Việt; cung cấp nhiều bộ công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm đa nền tảng: Web, Android, iOS, Cross-platform để phục vụ các nhà phát triển ứng dụng. Về giá thành, miễn phí cho người sử dụng và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng nhà phát triển.
"Hiện Vmap hiện có hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên Bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn bản để thu thập thông tin.Từ dữ liệu thu thập nhóm đã xây dựng các công cụ tích hợp dữ liệu đa nguồn (nhà nước, bộ, ban, ngành và cộng đồng thu thập dữ liệu) để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ quốc gia. Dựa trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các thuật toán tiền xử lý dữ liệu hỗ trợ hiển thị bản đồ, xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt hỗ trợ tìm kiếm địa chỉ, tìm đường", anh Lưu Quang Thắng cho biết thêm.
Giao diện Vmap phiên bản trên điện thoại di động.
Đến nay, Vmap đã và đang được sử dụng trong các ứng dụng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Về y tế, các ứng dụng trong chiến dịch chống Covid-19 dành cho người dân và điều hành của Chính phủ: antoancovid.vn/; ncov.moh.gov.vn/ban-do-vn; Khai báo y tế - NCOVI… Trong lĩnh vực môi trường, Vmap được ứng dụng trong mạng cảm biến quan trắc chất lượng không khí (airnet.vn). Với lĩnh vực vận tải, được sử dụng tại phần mềm quản lý đặt xe khách liên tỉnh Thái Bình - Hà Nội (247car.vn). Ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như bất động sản, xã hội… cũng sử dụng Vmap như bản đồ số trong trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống thông tin chất lượng bất động sản (Reqis), Nền tảng nhân đạo số iNhandao, Địa chỉ số (vpostcode.vn)…
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tiến bản đồ số Vmap để hấp dẫn hơn và giúp người dùng sử dụng các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện.
Nhật Hạ t/h
lên đầu trang