Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 04:25

Chủ nhật, 19/05/2024 | 04:25

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:45 ngày 08/02/2021

Số hóa sẽ là động lực tăng trưởng

Rất nhiều kỳ vọng cũng như thách thức được đặt ra đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng trong năm 2021. Vậy, làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19? Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
2020 là một năm rất khó khăn khi dịch bệnh ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực. Vậy ông có kỳ vọng như thế nào về tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2021 - 2025?
Năm 2021 trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh. Ðiều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 81% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi đã đánh giá sản xuất, kinh doanh quý I/2021 so với quý IV/2020 sẽ ổn định hoặc tốt lên.
Nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã và đang tận dụng ngày càng tốt hơn cơ hội từ các FTA. Năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 34,9 tỷ USD. Đáng chú ý, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính Phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 5%/năm nhưng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ đạt cao hơn, từ 7 - 10%/năm.
Bên cạnh những thuận lợi, phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cũng còn rất nhiều những khó khăn, thách thức. Cụ thể những thách thức đó là gì và đâu là thách thức lớn nhất, thưa ông?
Hiện tại, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường khi đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp trong nước đối mặt với thiên tai, hạn hán… trong khi đó xuất khẩu cũng đối mặt nhiều thách thức như các rào cản kỹ thuật với nông sản, các yêu cầu về môi trường, lao động… tình trạng gian lận thương mại cũng trở nên nhức nhối trong thời gian qua. Bên cạnh đó là áp lực thương mại từ phía Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - bởi thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ liên tục mở rộng trong các năm gần đây. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế chưa có sự thay đổi nhiều. Hiện, kinh tế tư nhân cũng đang dần trở thành lĩnh vực quan trọng, song vẫn chưa tương xứng.

Xuất khẩu có thể tăng trưởng 7 - 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025
Vậy theo ông, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng được thời cơ và khắc phục khó khăn?
Mặc dù những mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn toàn phù hợp, song để đạt được kết quả này, Chính Phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần phải thực hiện nhiều giải pháp.
Về phía Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh số hóa nền kinh tế, số hóa các dịch vụ công. Cần phải xem số hóa là động lực tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, giảm chi tiêu hành chính cho doanh nghiệp.
Với hoạt động xuất nhập khẩu, chúng ta phải duy trì các thị trường truyền thống, đồng thời mở thêm nhiều thị trường mới. Các cơ quan chức năng có liên quan phải cụ thể hóa những cam kết và lợi ích mà Việt Nam được hưởng trong các FTA để doanh nghiệp nắm và tận dụng, từ đó đem lại hiệu quả tốt hơn.
Các doanh nghiệp cần lưu ý, việc giữ vững thị trường nội địa sẽ là điều kiện quan trọng để chúng ta có thể thích ứng xoay chuyển tình thế trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, để kích thích tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương
Tag:
lên đầu trang