Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 18:39

Thứ bảy, 18/05/2024 | 18:39

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:32 ngày 19/02/2021

Xúc tiến thương mại trực tuyến: Rút ngắn khoảng cách giao thương

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tuyến, trực tiếp giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận đối tác và thị trường xuất khẩu ngay tại “sân nhà” với chi phí tiết kiệm.
Không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu
Trong khi hàng loạt hoạt động XTTM truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm… phải hủy hoặc hoãn thực hiện thì hoạt động XTTM trực tuyến được cho là cơ hội vàng để DN Việt Nam tiếp cận với thị trường nước ngoài ngay tại “sân nhà”.
Bà Nguyễn Việt Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Craftlink H&J, thành viên Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam - cho biết, dịch Covid-19 đã khiến phần lớn các đơn hàng xuất khẩu của DN phải dừng lại. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhờ những chính sách, hành động thiết thực Cục XTTM (Bộ Công Thương) như: Hỗ trợ DN tham gia kênh thương mại điện tử B2B; tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến… nhiều bạn hàng đã tìm đến DN. Thông qua các kênh như trang Fanpage của Cục XTTM, Facebook,… các DN được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí so với trước đây và đặc biệt là không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu.
Theo Cục XTTM, Chương trình Cấp quốc gia về XTTM 2020 phê duyệt 319 đề án, trong đó, hơn 50% đề án được điều chỉnh phương thức triển khai từ XTTM truyền thống sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế của thị trường; 80 đề án phải hủy thực hiện do tác động của dịch Covid-19. Như vậy, tổng số đề án thực hiện là 239 đề án, đạt 74,9% kế hoạch.
Xúc tiến thương mại trực tuyến giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn
Những kết quả kinh tế ấn tượng trong năm 2020 khẳng định tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng DN nước ta. Kết quả tích cực về xuất nhập khẩu và sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có sự đóng góp quan trọng của công tác XTTM. Các hoạt động XTTM trên cả nước đã hỗ trợ trên 18.000 lượt DN tham gia trực tiếp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường. Giá trị hợp đồng và giao dịch tại sự kiện đạt hơn 300 tỷ đồng và 43,8 triệu USD đơn hàng xuất khẩu (chưa tính kết quả đạt được sau khi kết thúc sự kiện, DN tiếp tục đàm phám, giao dịch). Trong đó, Chương trình Cấp quốc gia về XTTM là nòng cốt dẫn dắt, định hướng cho các hoạt động XTTM của các hiệp hội ngành hàng, cơ quan XTTM trên cả nước.
Bên cạnh các hoạt động XTTM trực tiếp, truyền thống, Bộ Công Thương và hệ thống các cơ quan XTTM cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số, đổi mới, nâng cao hiệu quả XTTM hỗ trợ DN kết nối khách hàng, duy trì và phát triển kênh phân phối thị trường trong nước, củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu với chi phí thấp hơn. Chương trình đã hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt DN tham gia hàng triệu phiên giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu trên thế giới, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như: châu Phi, Úc, Mecosur...
Ưu tiên ngành hàng thế mạnh
Nối tiếp thành công này, trong định hướng triển khai hoạt động XTTM năm 2021, nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cho DN, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM - cho biết: Bộ Công Thương đang xây dựng một số nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản vào XTTM như: Cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về XTTM (CRM); Cổng truy xuất nguồn gốc XTTM hỗ trợ cho nông sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các DNNVV nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như đạt các điều kiện cần và đủ khi mở rộng thị trường xuất khẩu, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II/2021. Đồng thời, xây dựng nền tảng về Hệ sinh thái XTTM (VECOBIZ), đây là một nền tảng ứng dụng tích hợp các dịch vụ XTTM.
Hoạt động XTTM sẽ tiếp tục có sự thay đổi, chuyển hướng tập trung ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu (XTXK) khai thác thị trường Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA); phân bổ nguồn lực XTXK phù hợp để duy trì các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường tiềm năng và các thị trường mà DN, hiệp hội khó tiếp cận. Bên cạnh đó, ưu tiên hoạt động XTXK ngành hàng có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới. Đặc biệt, về phía DN cũng cần thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; chú trọng bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói; đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận, khai thác thị trường, DN tại các thị trường/khu vực hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, tập trung đẩy mạnh XTTM đối với các thị trường trọng điểm.
Theo báo cáo của các cơ quan XTTM, trong năm 2020, hệ thống cơ quan XTTM đã triển khai hơn 1.000 đề án XTTM, đạt 70% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động XTTM năm 2020 khoảng 255 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 183 tỷ đồng. Các đề án hủy thực hiện chủ yếu là các đề án tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, giao thương với các DN nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang