Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 22:28

Chủ nhật, 05/05/2024 | 22:28

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:44 ngày 25/02/2021

Sản xuất thông minh - Đón đầu làn sóng đầu tư và phát triển nhà máy thông minh trong bối cảnh bình thường mới

Hội nghị Bàn tròn cấp cao trực tuyến về sản xuất thông minh với chủ đề "Đón đầu làn sóng đầu tư và phát triển nhà máy thông minh trong bối cảnh bình thường mới" đã diễn ra vào ngày 28/1, tại trụ sở cơ quan Ban Kinh tế Trung ương. Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo và bảo trợ chuyên môn, Tập đoàn IEC và Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprise (HPE) là đơn vị chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: kinhtetrunguong.vn
Đây là Hội nghị bàn tròn trực tuyến do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì. Hội nghị đã được triển khai trực tuyến tới 20 điểm cầu với sự tham dự của hơn 50 đại biểu, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và lãnh đạo 20 doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam tại các lĩnh vực như dệt may, khoáng sản, năng lượng, ô tô, thực phẩm, điện tử, tiêu dùng, công nghệ,...
Hội nghị đã khởi động cho chuỗi các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn cấp cao do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì để triển khai sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 về "Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và 2 năm triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: kinhtetrunguong.vn
Có thể thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động rất mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống, thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa, và làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa. Theo như nhận định của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trưng Ương Nguyễn Đức Hiển: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa tiến tới sản xuất thông minh làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa. Sản xuất thông minh với nền tảng dựa trên sự tích hợp máy móc thông minh và robot thế hệ mới, kết nối vạn vật công nghiệp IIoT và các phần mềm, hệ thống tích hợp đang trở thành một xu thế tất yếu.” Và nhân tố cốt lõi của sản xuất thông minh là nhà máy thông minh, hệ thống sản xuất tự động hóa được kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính tự học và thích nghi (nhà máy sản xuất đáp ứng, thích nghi và kết nối).
Đầu cầu trực tuyến tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: kinhtetrunguong.vn
Sản xuất thông minh với nhân tố cốt lõi nhà máy thông minh đang trở thành động lực phát triển mới của thế giới, các quốc gia đang đẩy nhanh phát triển sản xuất thông minh. Để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã tập trung trao đổi các nhóm vấn đề trọng tâm là: (1) Nhận diện tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển sản xuất thông minh, nhất là lĩnh vực sản xuất chế tạo tại Việt Nam; (2) Nhận diện khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp ngành sản xuất trong quá trình chuyển đổi và vấn đề quản trị rủi ro; (3) Trao đổi các mô hình, kinh nghiệm điển hình về triển khai sản xuất thông minh, nhà máy thông minh; (4) Các vấn đề về thể chế, chính sách để để thúc đẩy sản xuất thông minh, nhà máy thông minh tại Việt Nam.
Sản xuất thông minh chính là xu thế tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trước khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần thực hiện việc đánh giá hiện trạng tiếp cận. Ngoài ra, đề xuất chuyển đổi số phải dựa vào nội lực và năng lực của doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần tự xây dựng cho mình lộ trình chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam cần phải dựa trên năng lực, nội lực của các doanh nghiệp Việt, tức là dựa trên các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các giải pháp của Việt Nam, năng lực, tư vấn và đào tạo của Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị các doanh nghiệp đã có những đề xuất về xây dựng hệ sinh thái sản xuất thông minh, trong đó có sự tham gia của Bộ, ngành, doanh nghiệp tư vấn, các đơn vị đào tạo, các đơn vị giải pháp, cùng doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ để giúp doanh nghiệp số hóa và cần có sự chỉ đạo thống nhất về việc này. Kết luận lại, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển đã giao Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, chắt lọc các ý kiến tại Hội nghị để phục vụ xây dựng đề cương, kế hoạch và triển khai xây dựng báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 trong thời gian tới.
Doãn Tâm t/h
lên đầu trang