Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:22

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 22:58 ngày 11/03/2021

Doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, ưu tiên tiêu thụ DAP trong nước

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu là yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước hướng duy trì thị trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón.
Lộ trình đã được tính toán hợp lý
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mới đây một số doanh nghiệp nhập khẩu phán ảnh thời gian qua phân bón DAP tăng mạnh và có tình trạng khan hiếm hàng, đồng thời kiến nghị tạm thời dừng áp dụng biện pháp tự vệ này.
Trên thực tế, biến động giá DAP trong thời gian gần đây chủ yếu là do giá nguyên liệu cho sản xuất phân bón DAP trên thế giới tăng (lưu huỳnh, amoniac, quặng apatit) dẫn đến giá DAP trên thế giới tăng và giá DAP trong nước tăng theo.
Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình biến động giá cả trên thị trường phân bón DAP, MAP; giá thế giới của các nguyên liệu đầu vào và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Xung quanh vấn đề này, Công ty DAP- Vinachem cho biết, sản lượng DAP Đình Vũ sản xuất 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 46.190 tấn, tăng 162,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kế hoạch các tháng 3 và 4, DAP Đình Vũ khẳng định vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 – 26.000 tấn. Với số lượng này cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 – 50.000 tấn/tháng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
Trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, các yếu tố kinh tế - xã hội đã được Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ và có sự tham khảo, thống nhất ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu đang là đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ theo Luật Quản lý ngoại thương, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo tính toán, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.
Không có quy định tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện tổng công suất cấp phép 3 nhà máy DAP của Việt Nam là Đình Vũ, Lào Cai và Đức Giang là 810.000 tấn/năm trên tổng số nhu cầu 1 triệu tấn phân DAP hàng năm của Việt Nam, song có một thực tế là các nhà máy đều chưa chạy tối đa công suất.
Lý giải của một số doanh nghiệp sản xuất DAP trong nước về việc xuất khẩu mạnh DAP năm 2020, bởi áp lực cạnh tranh trong nước quá lớn, bên cạnh đó khi xuất khẩu các nhà máy DAP sẽ được hưởng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về phía Công ty DAP–Vinachem khẳng định đã chủ động điều tiết đủ nguồn hàng cho hệ thống đại lý, phân phối của Công ty ưu tiên tiêu thụ DAP trong nước.
Liên quan vấn đề giá Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình biến động giá cả trên thị trường phân bón DAP, MAP; giá thế giới của các nguyên liệu đầu vào và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Theo DAP Đình Vũ, từ tháng 11/2020 đến nay, do diễn biến giá các nguyên liệu đầu vào chính của để sản xuất DAP là Lưu huỳnh (S) và Amoniac (NH3) đã tăng đột biến. Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021), giá Lưu huỳnh về đến công ty đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 95 USD/tấn lên 208 USD/tấn), tương đương với mức tăng 113 USD/tấn; giá Amoniac tăng 31,4%, tương đương với mức tăng 102 USD/tấn. Điều này đã khiến cho giá thành DAP sản xuất của Công ty tăng 1,509 triệu đồng/tấn. Mặc dù giá thành sản xuất tăng nhưng đến tháng 2/2021 DAP Đình Vũ mới chỉ điều chỉnh đơn giá bán tăng thêm 0,9 triệu đồng/tấn (chịu thiệt 0,6 triệu đồng/tấn) để góp phần bình ổn giá trong nước.
Nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước đây. Do các yếu tố bên ngoài như đã nêu trên, không chỉ giá DAP nhập khẩu tăng mà giá một số mặt hàng phân bón nhập khẩu khác, dù không bị áp thuế tự vệ, cũng tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó, giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP.
“Các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ, là các biện pháp có tính chất dài hạn nhằm đem lại một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu”, Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng biện pháp phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan, mà theo đó pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang