Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 16:11

Thứ hai, 06/05/2024 | 16:11

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:13 ngày 14/10/2015

Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR)– Giá trị từ những sáng kiến, giải pháp

Năm 2014, đội ngũ lãnh đạo và CBCNV của BSR đã đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với việc hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, đã nhập 81 chuyến dầu thô với khối lượng 6,4 triệu tấn, đạt 119% kế hoạch năm. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 5,85 triệu tấn, vượt kế hoạch hơn 1 triệu tấn, đạt 121% kế hoạch. Và năm 2014 cũng đặc biệt ghi nhận những cố gắng nỗ lực vượt bậc trong việc tối ưu hóa, phát huy sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật của BSR. Những sáng kiến, những đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật BSR cho thấy sự đầu tư, nỗ lực làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ thiết bị của người lao động BSR.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận tháp phân tách dầu từ Hàn Quốc

Trao đổi  với chúng tôi, ông Đinh Văn Ngọc – Tổng giám đốc BSR cho biết: Đạt được những thành tựu đó, trước hết phải khẳng định, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có chủ trương nhất quán coi KHCN là nhân tố quyết định và là chìa khoá cho sự phát triển nhanh và bền vững theo chiều sâu. Cùng với đó, Tập đoàn đã có những chính sách về KHCN như: Nghiên cứu khoa học tập trung phục vụ nhu cầu thực tế SXKD đặt ra; Duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN ở cấp Tập đoàn, cũng như các đơn vị thành viên với các công ty dầu khí nước ngoài, viện nghiên cứu, trường đại học lớn của các nước trên thế giới...

Do vậy, trong giai đoạn vừa qua, song song với việc tập trung vào công tác ổn định vận hành thì các hoạt động KHCN của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn được duy trì, phát triển tích cực. Trước hết đó là việc đổi mới công tác tổ chức nghiên cứu KHCN của BSR. Trong đó, BSR chú trọng đào tạo chuyên gia cho các chuyên ngành. Theo kế hoạch dài hạn của BSR thì  Đề án chuyên gia của Công ty sẽ diễn ra trong 13 năm (kể từ năm 2012). Tổng chi phí đào tạo cho chương trình dự kiến là 175  tỷ đồng trong đó năm 2012 đã thực hiện 870 triệu đồng, năm 2013: 1,5 tỷ đồng và năm 2014 dự kiến là 16 tỷ đồng theo kế hoạch đã được Tập đoàn phê duyệt (theo từng năm). Tiếp theo đó, năm 2013, BSR đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế và nghiên cứu khoa học (ban hành lần 1 năm 2009), đồng thời kiện toàn Hội đồng Khoa học kỹ thuật-sáng kiến (KHKT-SK), Tổ thường trực của Hội đồng KHKT-SK. Năm 2014, phong trào nghiên cứu KHKT, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất của BSR đã thu được những kết quả tích cực, nhiều sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Công ty đã được ghi nhận và đạt thành tích cao tại các Hội thi do các cấp Ban, ngành địa phương tổ chức. Cùng với việc ban hành quy định, quy chế trong lĩnh vực KHCN, BSR cũng đã xây dựng nhiều chính sách khen thưởng, đãi ngộ nhằm động viên, khuyến khích CBCNV trong công tác nghiên cứu KH&CN góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, sáng kiến, sáng chế đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nhà máy.Năm 2014,Hội đồng KHKT-SK đã nhận được hơn 110 đề xuất giải pháp, sáng kiến. Năm 2013 đã xét công nhận sáng kiến cấp Công ty cho 60 giải pháp, ước tính mang lại hiệu quả kinh tế hơn 15 triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, BSR có 9 giải pháp, sáng kiến tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi trong đó 7 giải pháp được giải, gồm 2 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Có 3 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn đó là:  Nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện lộ trình và thực hiện triển khai giải pháp tối ưu hóa và hoàn chỉnh tổng thể các vòng điều khiển cho NMLD Dung Quất, chủ biên là Lương Thái Hà; Dùng khí H2 từ phân xưởng LCO-HDT để duy trì quá trình sweeping xúc tác phân xưởng SRU trong trường hợp phân xưởng CCR/NHT bị sự cố, chủ biên Lê Trọng Khải; Tối ưu dầu thải nhẹ LSO từ D-1106 của CDU, chủ biên Đào Xuân Giỏi.

Về triển khai các đề tài KHCN, năm 2014, Hội đồng KHKT-SK xem xét, đánh giá 22 đề xuất đề tài/nhiệm vụ, trong đó có rất nhiều đề tài, nhiệm vụ có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định vận hành cao, như:Nghiên cứu pha trộn phụ gia Nano vào dầu nhiên liệu FO tại phân xưởng U38 để nâng cao hiệu quả quá trình cháy tại các lò đốt trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chủ biên: Nguyễn Ngọc Thanh; Nghiên cứu, phân tích, đánh giá hệ thống xử lý nước thải hiện hữu, và đưa ra giải pháp tối ưu vận hành Hệ thống xử lý nước thải  Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất, chủ biên: Mai Việt Thắng; Giảm thiểu lượng nước thải xả ra ngoài bằng giải pháp tối ưu lượng nước qua phân xưởng RO (Phân xưởng tiền xử lý nước đầu vào cho Nhà máy), chủ biên: Lê Trung Lân; Ổn định tần số hai xuất tuyến của lưới điện quốc gia (EVN) cấp cho NMLD Dung Quất, chủ biên: Vũ Bảo Toàn... Điển hình là đề tài: Cải hoán Phao rót dầu không bến (SPM), tăng khả năng tiếp nhận tàu dầu thô từ thiết kế ban đầu 110.000 DWT lên 150.000 DWT; vận hành NMLD ở công suất 105% đảm bảo an toàn, ổn định và dự kiến sẽ vận hành ở công suất từ 107-110% trong năm 2015 góp phần quan trọng để nâng cao vị thế cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, BSR còn triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu hợp tác với các đơn vị khác như: Đề tài “nghiên cứu hàm lượng kim loại và cặn cao trong dầu thô Bạch Hổ” với Trung tâm nghiên cứu và chế biến Dầu khí (PVPro); đề tài “sử dụng xúc tác thải từ phân xưởng RFCC làm phụ gia cho xi măng”; “Phối trộn Ethanol vào xăng Mogas 92/95 của Nhà máy tại NMLD Dung Quất” với PVPro, giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 5/2014; “Tách các hạt xúc tác mới/chưa bị già hóa từ xúc tác cân bằng ở Phân xưởng RFCC”; Triển khai dự án nâng cao chất lượng sản phầm (theo Euro 4), chất lượng sản phẩm khi được phối trộn với nhiên liệu sinh học hoặc sản phẩm khí hóa lỏng, sử dụng khí tự nhiên với PVN/VPI và JCCP/JXRI, được tài trợ bởi JCCP.

Sự kiện hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần II của BSR vượt tiến độ đề ra 4 ngày và đảm bảo 4 tiêu chí về an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí; góp phần tăng doanh thu Công ty lên gần 2.800 tỷ đồng cho thấy giá trị to lớn của những sáng kiến, giải pháp, đề tài/nhiệm vụ mà đội ngũ người lao động BSR đã dày công nghiên cứu. Điều đó khẳng định NMLD Dung Quất hiện đang được điều hành bởi một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hệ thống quản lý tiên tiến, cùng với đội ngũ nhân viên vận hành luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chặt chẽ của Công ty và các tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề an toàn trong vận hành NMLD. Những thành công liên tiếp trong những năm qua đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, đặc biệt là của đội ngũ nhân lực vận hành đã không ngừng học hỏi vươn lên làm chủ công tác vận hành và bảo dưỡng Nhà máy. Đó chính là tài sản quí báu nhất của BSR.

Ngành công nghiệp lọc – hóa dầu ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Nhân lực của BSR với tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã trưởng thành và tạo được uy tín, thương hiệu ngành lọc – hóa dầu non trẻ của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là thành quả của chiến lược đào tạo, huấn luyện bài bản, công phu, chuyên nghiệp được Tập đoàn Dầu khí  quốc gia Việt Nam và BSR đặc biệt quan tâm. Phát huy truyền thống của “Những người đi tìm lửa”, tin rằng, BSR vững tin làm chủ khoa học, công nghệ; làm chủ vận hành sản xuất tổ hợp lọc – hóa dầu.

 

Lê Hằng

 

 

 

lên đầu trang