Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:55

Thứ hai, 06/05/2024 | 05:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:02 ngày 30/10/2015

Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ: Chặng đường 34 năm xây dựng và phát triển

Với 34 năm hình thành và phát triển, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin đã có thâm niên 27 năm hoạt động theo hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Con đường chông gai với những bước thăng trầm ấy đã được tất cả cán bộ công nhân viên (CBCNV) đồng lòng vượt qua, để vươn lên trở thành một trong những tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu của ngành Công Thương có khả năng tham gia các dự án khoa học công nghệ phức tạp có giá trị gia tăng cao, đồng thời đủ điều kiện để trở thành một đơn vị tổng thầu có uy tín trong ngành cơ khí mỏ - điều mà rất hiếm viện nghiên cứu khoa học làm được.


Sau đây là trao đổi của Viện trưởng Bạch Đông Phong về 34 năm hoạt động của Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ.

PV: Xin ông cho biết về quá trình hình thành, phát triển của Viện Cơ khí Năng lượng Mỏ trong 34 năm qua và những dấu mốc quan trọng?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Ngày 01/7/1981, Bộ Mỏ và Than có quyết định số 21MT-TCCB3 thành lập Viện Máy Mỏ trực thuộc Bộ, tiền thân của Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin ngày nay, nhiệm vụ chính của viện là nghiên cứu thiết kế các loại thiết bị cơ khí mỏ và cung cấp tài liệu kỹ thuật cho các nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong ngành khai khoáng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương gắn các cơ quan nghiên cứu với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tháng 10/1988, Bộ Năng lượng đã chuyển Viện thành đơn vị trực thuộc Công ty Cơ khí Mỏ, hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán lấy thu bù chi. Đây có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất của Viện khi phần lớn CBCNV thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Chỉ sau khi xưởng thực nghiệm đi vào hoạt động năm 1993, tình hình mới được cải thiện, CBCNV dần có việc làm và thu nhập. Từ năm 1995 mọi hoạt động của Viện bắt đầu đi vào ổn định và phát triển, phạm vi hoạt động của Viện được mở rộng hơn. Ngoài ngành Than, Viện còn nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng phục vụ ngành điện và thực hiện các hợp đồng kinh tế với các đối tác khác. Trải qua thêm 4 lần chuyển đổi nữa, đến ngày 28/9/2010, Viện chính thức đổi tên thành Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin, là tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự trang trải kinh phí theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Khi mới thành lập, lực lượng lao động cũng như cơ sở vật chất của Viện khá khiêm tốn với gần 100 CBCNV, tổng tài sản gần 120 triệu đồng. Sau 34 năm hoạt động, số CBCNV hiện nay là 245 người, tổng tài sản của Viện đã đạt gần 200 tỉ đồng, doanh thu năm 2014 đạt 205 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 5,2 tỉ đồng và lương bình quân CBCNV đạt hơn 12 triệu đồng/người/tháng. Số lượng các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tập đoàn đạt khoảng 30-40 tỉ đồng/năm. Hiện tại, Viện đã trở thành một trong những cơ sở khoa học có tiềm lực nghiên cứu, triển khai, áp dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tế sản xuất, có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ KHCN phức tạp, đáp ứng yêu cầu của ngành. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và trực tiếp của Tập đoàn, Viện đã đầu tư và quản lý 01 Nhà máy Chế tạo máy mỏ trên diện tích 23.000 m2 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa - Chương Mỹ - Hà Nội; 01  Xưởng thực nghiệm chế tạo máy; 01 phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực kiểm định vật liệu và kiểm tra không phá hủy; 01 phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho điều hòa không khí, tủ lạnh, các sản phẩm gia dụng và 01 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

PV: Ông đã nói đến giai đoạn khó khăn nhất là sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ bao cấp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực tế là đã có nhiều đơn vị không vượt qua được thời kỳ này buộc phải phá sản. Vậy Viện đã có những giải pháp như thế nào để vượt qua khó khăn và có bước phát triển có thể nói là rất thành công như hiện nay?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Nói về những thành quả mà Viện có được ngày hôm nay trước hết phải kể đến sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, Bộ Công Thương, và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Sau đó là sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ CBCNV toàn Viện, và chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cả công nhân kỹ thuật. Thêm vào đó là định hướng phát triển  đúng đắn của đội ngũ Lãnh đạo viện qua nhiều thế hệ, đã thực hiện một loạt chủ trương chính sách nhằm phù hợp tình hình của nước ta trong những năm qua là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

PV: Đó là những chính sách gì, thưa ông?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Đang hoạt động trong cơ chế bao cấp, chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường quả thật là một giai đoạn vô cùng khó. Việc đầu tiên và duy nhất chúng tôi đặt ra là phải tái cơ cấu mọi hoạt động của Viện theo hình thức khoán hiệu quả công việc. Giai đoạn này, một loạt CBCNV không phù hợp bắt buộc phải giải quyết chế độ, hoặc chuyển đổi công việc khác. Với một Viện nghiên cứu khoa học thì nguồn nhân lực là quan trọng nhất, để mất nguồn nhân lực thì không hình thành được giá trị gia tăng và Viện không thể phát triển được. Vì thế, giai đoạn này, Viện chưa bàn đến vấn đề tích lũy mà đưa ra các qui chế khoán trực tiếp công việc, căn cứ hiệu quả, quy định chế độ đãi ngộ hợp lý để giữ người giỏi. Nhờ các chính sách minh bạch, công bằng và tôn trọng người lao động, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định, nên Viện đã không để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Chúng tôi tự hào là thời kỳ mới mở cửa, ở Viện đã có nhiều chuyên gia thu nhập hàng chuc triệu đồng mỗi tháng. Vượt qua giai đoạn khó khăn, khi người lao động ổn định, giàu lên rồi mới đặt vấn đề tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao trình độ. Có thể nói, cũng vẫn là những chính sách chung của Nhà nước, nhưng chúng tôi biết linh hoạt áp dụng đúng thời điểm nên đã thu được thành công.

Viện trưởng Bạch Đông Phong

Riêng với qui chế khoán, chúng tôi duy trì việc điều chỉnh, bổ sung hàng năm sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế. Cái gì tốt thì phát huy. Cái gì chưa được thì hiệu chỉnh. Điều đó đã tạo động lực để CBCNV gắn bó với Viện và làm hết sức mình vì sự phát triển của Viện trong suốt những năm qua.

PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn của Viện để đáp ứng yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/NĐ-CP và việc thương mại hóa các sản phẩm KHCN của đơn vị?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Viện là một đơn vị nghiên cứu và triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ thuộc chuyên ngành cơ khí. Nhưng thực tế, thị trường khoa học Việt Nam chưa phát triển, hầu hết công nghệ cao thiếu nghiên cứu đồng bộ nên việc ứng dụng vào thực tế rất khó khăn. Việc nghiên cứu khoa học của Việt Nam hầu hết là những nghiên cứu mang tính thừa hưởng thành tựu của thế giới với  mục tiêu là hạn chế nhập khẩu thiết bị cơ khí của nước ngoài. Riêng Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ trong những năm qua đã làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo được một số thiết bị trong khai thác mỏ từ lộ thiên đến hầm lò, các thiết bị về vận tải cơ giới hóa trong khai thác hầm lò như: cột chống thủy lực đơn, giá thủy lực, giá thủy lực chỉnh thể, máng cào các loại, băng tải các loại, máy tuyển các loại, máy đập, nghiền, bơm thủy lực…

Do đó, khi triển khai theo Nghị định 115, Viện cũng khá vững vàng, bởi Nghị định này tạo ưu đãi cho các đơn vị hoạt động KHCN, khuyến khích sự năng động của các tổ chức KHCN. Tuy nhiên có thể thấy, chính sách có, ưu đãi có nhưng cơ chế thì chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động thự tế của các tổ chức KHCN. Các cơ sở nghiên cứu khoa học phải thực hiện cơ chế thị trường hoàn toàn như các doanh nghiệp thực thụ, dẫn tới  khó tiếp cận với thị trường.

Nhiều năm qua, công tác thiết kế mẫu mã công nghiệp bị buông lỏng nên các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chậm thay đổi, không theo kịp thị trường, do đó việc thương mại hóa các sản phẩm sau nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Đối với Viện, ý thức được điều này, Viện đã xây dựng một đội ngũ thiết kế bám sát thực tế sản xuất, tất cả các thiết bị sản xuất tại Viện đều xuất phát từ khảo sát điều kiện làm việc và địa chất của từng công trình sau đó mới hình thành thiết kế, vì vậy sản phẩm có chỗ đứng nhất định trong và ngoài Tập đoàn.

PV: Ông có thể cho biết những đóng góp của Viện đối với chương trình dán nhãn năng lượng thông qua việc xây dựng và hình thành các phòng thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm của Viện?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Trong vòng 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Bộ Công Thương, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2010, Viện được đầu tư từ nguồn ngân sách 01 phòng thử nghiệm dán nhãn cho các sản phẩm điều hòa không khí, tủ lạnh và 01 phòng thử nghiệm các sản phẩm gia dụng khác từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc. Các thiết bị hiện có Viện đều nhập nguyên bản từ Mỹ, với kỹ thuật tiên tiến tương đương với các nước trong khu vực. Hàng năm, các thiết bị đều được bảo trì, bảo dưỡng từ chính hãng nên đảm bảo đủ tính chính xác cho hoạt động dán nhãn các sản phẩm. Sau 5 năm hoạt động, kết quả thử nghiệm của Viện được thừa nhận hầu hết ở các nước châu Á, Thái Bình Dương và các nước châu Âu. Các hãng nước ngoài khi bán sản phẩm ở Việt Nam đều đưa mẫu đến Viện để thử nghiệm. Nhờ đó, các sản phẩm không tiết kiệm, đặc biệt với điều hòa và tủ lạnh đến nay không còn xuất hiện trong thị trường Việt Nam kể cả vùng sâu vùng xa, nông thôn. Hoạt động của các Phòng thử nghiệm của Viện đã đóng góp tích cực vào Chương trình dán Nhãn tiết kiệm năng lượng của Chính phủ Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từng bước loại bỏ các sản phẩm hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng.

PV: Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất với các trang thiết bị hàng đầu, Viện đã đầu tư như thế nào cho phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về học tập, chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tới, thưa ông?

Đầu tư con người là yếu tố then chốt của bất kỳ tổ chức nào, bởi con người đóng vai trò quyết định đến mọi hoạt động của đơn vị. Ý thức được vấn đề này Viện đã rất tích cực đầu tư cho nguồn nhân lực. Ngoài việc khuyến khích CBCNV học tập nâng cao trình độ, Viện còn có những chính sách cụ thể cho người đi học. Ví dụ, chúng tôi có quan hệ với rất nhiều trường đại học trên thế giới và Viện chủ động nhờ họ tài trợ học bổng toàn phần cho cán bộ của Viện đi nghiên cứu sinh trực tiếp. Các trường hợp nghiên cứu sinh chỉ được phía bạn hỗ trợ một phần học bổng, Viện áp dụng chính sách giữ nguyên lương cấp bậc và phụ cấp 50 triệu đồng/năm để họ yên tâm nghiên cứu khi cuộc sống được đảm bảo.

Vì vậy, hiện nay Viện đang có 09 nghiên cứu sinh ở nước ngoài và 27 người đang theo học thạc sĩ. Lực lượng CBCNV của Viện chiếm khoảng 80% có trình độ đại học trở lên. Chỉ có khoảng 50/245 CBCNV là công nhân trực tiếp sản xuất tại Nhà máy và xưởng thực nghiệm.

Riêng đối với đội ngũ lãnh đạo,  quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết.  Cấp trưởng phải là người biết lắng nghe và biết sàng lọc ý kiến tốt, có tinh thần xây dựng, đóng góp cho phát triển của Viện. Lãnh đạo cũng phải biết nhường nhịn, hy sinh vì tập thể, đồng thời là người tìm việc, tổ chức công việc cho đơn vị, nhưng không trực tiếp làm mà biết tập hợp lực lượng trẻ tham gia. Do đó, rất tự hào là sau nhiều năm phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, Viện đã đủ năng lực để tham gia các dự án lớn, thậm chí làm tổng thầu nhà máy tuyển, vận tải hầm lò. Đó là thành công của Viện.

PV: Vậy định hướng của Viện trong những năm tới là như thế nào, thưa ông?

Viện trưởng Bạch Đông Phong: Định hướng phát triển của chúng tôi rất đơn giản và ngắn gọn. Đó là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động KHCN, đẩy mạnh sự phát triển của Viện với mục tiêu: Sản phẩm chủ lực là thiết bị khai thác mỏ; Khoa học kỹ thuật là then chốt; Sản xuất thử nghiệm là nhiệm vụ trung tâm; Con người là quyết định; Sách lược là đoàn kết, phấn đấu tất cả CBCNV tích cực lao động phù hợp nền kinh tế thị trường nhằm tồn tại và phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

Những dấu mốc quan trọng:

+ Thành lập ngày 1/7/1981

+ 1988, tự hạch toán thu chi

+ 2005, bắt đầu đầu tư cơ sở nghiên cứu tại Nguyễn Trãi

+ 2009, khởi công xây dựng Nhà máy Chế tạo máy mỏ tại KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội

+ 2010 đầu tư phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng

+ 2011 bắt đầu thực hiện Nghị định 115 đối với cơ sở khoa học tự chịu trách nhiệm tài chính.

 

Hồ Nga

lên đầu trang