Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm công nghệ sau thu hoạch tại Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily (TP Hồ Chí Minh).
Thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN) đã trải qua hơn 10 năm phát triển và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống pháp luật về phát triển thị trường KH và CN được hoàn thiện, chất lượng nguồn cung - cầu được nâng cao và tăng số lượng các tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KH và CN.
Theo đánh giá của Bộ KH và CN, trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như điện, điện tử máy tính (46%); chế biến gỗ, giấy (29%), chế biến thực phẩm (28%). Có được kết quả nêu trên là nhờ các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý, nổi bật là ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH và CN. Các quy định đã thể chế hóa chủ trương coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Công tác phát triển tổ chức trung gian phục vụ phát triển thị trường KH và CN được chú trọng. Hiện, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian, gồm sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN. Số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Trước năm 2015, chỉ có tám sàn giao dịch công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Một số mô hình tổ chức trung gian tiêu biểu tại các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm đã hình thành, phát triển, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh,…
Giai đoạn 2015-2018 đã có 2.267 hợp đồng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ giữa các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, 206 hợp đồng chuyển nhượng giữa doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam với nước ngoài. Tại các trường đại học, hoạt động chuyển giao công nghệ cũng ghi nhận nhiều giao dịch. Trong đó doanh thu của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh từ hoạt động chuyển giao công nghệ từ năm 2009 đến 2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng; Trường đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2010 đến 2020 đã thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số trung bình khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ bằng việc đối ứng nguồn vốn, nhân lực và các trang thiết bị, với tổng kinh phí được huy động từ các doanh nghiệp để triển khai các nhiệm vụ thương mại hóa đạt 111,3 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường KH và CN chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, cầu. Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương đang gặp khó khăn về việc tìm công nghệ phù hợp. Phó Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Thái Nguyên Phạm Thị Hiền cho biết, 95% số doanh nghiệp trên địa bàn thật sự có nhu cầu về đổi mới công nghệ, nhưng hầu hết lúng túng khi lựa chọn các công nghệ phù hợp, ít có các thông tin tin cậy về công nghệ. Thực tế này đòi hỏi cần có những tổ chức trung gian đủ mạnh để có thể kết nối được nguồn cung, cầu. Bộ KH và CN cần quan tâm hơn đến thị trường KH và CN ở địa phương, nhất là những địa phương còn khó khăn và đang có nhu cầu lớn về đổi mới, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực làm việc tại các tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KH và CN, với kiến thức chuyên sâu về công nghệ, luật, kinh tế, đàm phán… Các trường đại học, cao đẳng cần sớm mở các chuyên ngành đào tạo nhân lực làm việc ở các tổ chức trung gian.
Thứ trưởng KH và CN Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH và CN trong hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa tạo động lực cho thị trường KH và CN phát triển. Chưa có những cơ chế, chính sách thật sự khuyến khích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các tổ chức KH và CN chưa chú ý đến sáng chế, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Số lượng tổ chức trung gian nhiều nhưng còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm… Để phát triển thị trường KH và CN, giai đoạn 2021-2030, Bộ KH và CN tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH và CN. Đồng thời, phát triển các tổ chức trung gian, nguồn cung, nguồn cầu, nâng cao năng lực làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH và CN, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.
Theo Báo Nhân Dân