Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 12:07

Thứ ba, 21/05/2024 | 12:07

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:36 ngày 27/04/2021

Đà Nẵng: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Trong 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở tất cả 4 trụ cột là sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Gần 4.000 nhãn hiệu, sáng chế giải pháp được bảo hộ sở hữu trí tuệ
Theo Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố có 3.365 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2020, TP. Đà Nẵng có 3.891 văn bằng được cấp (gồm 3.712 nhãn hiệu; 56 sáng chế và giải pháp hữu ích; 123 kiểu dáng công nghiệp).
Gần 4.000 nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp tại TP. Đà Nẵng đã được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ
Vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng được thể hiện rõ thông qua việc số đơn xin đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày một tăng.
Từ năm 2016 - 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 27 sản phẩm đặc trưng của địa phương mang địa danh, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm đặc trưng, Sở đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, chọn lựa sản phẩm, chủ thể sở hữu để hỗ trợ từ khâu xây dựng hồ sơ đăng ký, tra cứu thông tin, xây dựng quy chế sử dụng, bản đồ vùng sản xuất, thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm mang nhãn hiệu, hỗ trợ các chi phí trong quá trình xác lập quyền (như chi phí tư vấn, lệ phí nộp đơn đăng ký và chi phí theo dõi đơn...); theo dõi quá trình xử lý đơn cho đến khi sản phẩm được cấp văn bằng và hỗ trợ các nội dung quản lý, phát triển nhãn hiệu sau khi xác lập quyền.
Sản phẩm nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 26266/QĐ-SHTT ngày 16/12/2009 và được gia hạn theo Quyết định số 1973/QĐ-SHTT ngày 9/1/2018. Với logo và nhãn hiệu tập thể, sản phẩm của làng nghề được khu biệt và tăng uy tín khi quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô - ông Trần Ngọc Vinh - cho biết, với việc Nước mắm Nam Ô được hỗ trợ đăng ký và được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã tạo điều kiện cho các hội viên làng nghề nước mắm Nam Ô ý thức hơn việc giữ và phát triển thương hiệu của làng nghề, hoàn thiện hơn các sản phẩm đưa ra thị trường.
Đi cùng với việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, TP. Đà Nẵng cũng tích cực hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Riêng Sở KH&CN đã hỗ trợ 65 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí 7,412 tỷ đồng; hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, kết nối đầu tư, tham gia các cuộc thi, sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... với kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 1,188 tỷ đồng.
TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề... của thành phố
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
TP. Đà Nẵng đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, số lượng đăng ký vẫn còn khiêm tốn so với nhiều địa phương, nhất là các văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích còn rất ít, chiếm đa số là nhãn hiệu thông thường.
Để thúc đẩy các hoạt động về sở hữu trí tuệ, TP. Đà Nẵng đang xây dựng và sẽ ban hành đề án phát triển tài sản trí tuệ trên trên bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030.
Trong đó, thành phố sẽ xây dựng 4 chương trình chính gồm: Nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ; tập trung vào nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, dịch vụ, ưu tiên các đối tượng là kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm thuộc lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân; gia tăng giá trị các sản phẩm của địa phương và cải thiện các chỉ số về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố.
“Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở tất cả 4 trụ cột là sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng - bà Vũ Thị Bích Hậu - cho hay.
Trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ kinh doanh hàng hóa nghi giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điển hình là vụ phát hiện hàng nghìn sản phẩm như quần áo, giày déo, túi xách, mắt kính nghi giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Dior, Gucci… do Cục QLTT TP. Đà Nẵng phối hợp với Cục Nghiệp vụ - Tổng cục QLTT kiểm tra đột xuất tại 6 cơ sở kinh doanh các mặt hàng thời trang trên địa bàn TP. Đà Nẵng vào chiều 11/6/2020; vào 2 ngày 8 và 9/12/2020, Đội QLTT số 8 - Cục QLTT TP. Đà Nẵng kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm và phát hiện hơn 400 mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Nón Sơn và hình”.
Mới đây nhất, ngày 7/4/2021, Cục QLTT TP. Đà Nẵng kiểm tra 4 địa điểm kinh doanh hàng hóa đã phát hiện hơn 2.100 đơn vị sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; trong đó có 921 sản phẩm gồm áo khoác, giày, quần, balo, túi đeo, găng tay có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “THE NORTH FACE”.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang