Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 06:16

Thứ năm, 16/05/2024 | 06:16

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 11:25 ngày 16/08/2015

Nâng cao năng suất chất lượng để phát triển bền vững

Sở khoa học và công nghệ TP.HCM vừa tổ chức hội nghị năng suất chất lượng lần thứ 13 với chủ đề “Cải tiến quản lý, nâng cao năng suất chất lượng, hội nhập thành công”. Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận các kinh nghiệm triển khai xây dựng và áp dụng ISO kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin; báo cáo điển hình công tác cải cách hành chính tại đơn vị; giải pháp tin học hóa cải cách hành chính nhà nước...


Theo ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở KH&CN, qua 10 năm triển khai các nhiệm vụ thập niên chất lượng 2006 - 2015, bước đầu đã hình thành được phong trào năng suất chất lượng rộng khắp trên địa bàn TP.HCM. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn về nhận thức cũng như hành động về năng suất - chất lượng - hiệu quả sản xuất kinh doanh với hàng trăm hội nghị, hội thảo, tọa đàm; trên 3.000 tổ chức được tập huấn thông qua hơn 600 lớp học, gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp về tiết kiệm năng lượng, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với chuẩn mực quốc tế như các tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP, SA, OHSAS... Sự hỗ trợ có tính thúc đẩy này đã góp phần khuếch đại phong trào năng suất chất lượng của thành phố: cả nước có hơn 43.300 doanh nghiệp, tổ chức đạt được các chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thì TP.HCM chiếm khoảng 1/5 số lượng; đồng thời, phong trào cũng góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa công sở bằng việc áp dụng ISO 9001 vào cơ quan hành chính. Đỉnh điểm của phong trào là Giải thưởng chất lượng quốc gia, TP.HCM luôn đi đầu cả nước với 69 giải thưởng, 11 giải vàng, 6 giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á Thái Bình Dương. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao năng suất cũng như tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP vào GDP của thành phố từ 18,06% (giai đoạn 2006 - 2010) lên 32,82% (giai đoạn 2011 - 2015).

Có được những kết quả đáng khích lệ trên là do lãnh đạo thành phố có sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đã có chủ trương đẩy nhanh phát triển kinh tế theo hướng tạo ra sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, không gây ô nhiễm, không sử dụng nhiều lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn. Hoạt động KH&CN gắn kết với hầu hết các ngành kinh tế - xã hội của thành phố và có những bước tiến rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như: y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin, chíp vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao... Thành quả đó từng bước đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Thành phố còn huy động được tiềm năng KH&CN thông qua việc gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với nhau, giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, giữa hoạt động nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn ngày càng tăng lên. Những nhân tố đó hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, ứng dụng những sản phẩm, công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, đồng thời có tác động thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Trong giai đoạn 2011 - 2014, bằng việc kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thị trường KH&CN đã có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và KH&CN dẫn đầu trong 9 ngành dịch vụ, đạt 16,9%, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 và chiếm tỷ trọng 5,5% trong GDP. Sự khởi sắc của thị trường KH&CN đã góp phần tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, qua đó đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Mai Thy

lên đầu trang