Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 17/10/2024 | 07:23

Thứ năm, 17/10/2024 | 07:23

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:01 ngày 19/07/2013

Hoạt động KHCN của EVN: Luôn đi trước đón đầu

Với đặc thù của một doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hoạt động KHCN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

 

 

Thực hiện các đề tài và nhiệm vụ

Trong thời gian từ năm 2006-2010, EVN đã và đang thực hiện 09 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ giao và 06 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Bộ Công Thương; nhiều đề tài NCKH cấp Tập đoàn và cơ sở. Nhìn chung các đề tài, dự án KHCN được EVN triển khai đã góp phần tích cực cho sự phát triển của Tập đoàn. Các đề tài, dự án KHCN đã và đang là căn cứ khoa học cho EVN trong quản lý, điều hành, trong quy hoạch nguồn và lưới điện, hướng dẫn công tác thiết kế thi công, tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, chủ động sản xuất thiết bị trong nước, tận dụng nguồn nhiên liệu sẵn có... Giá trị do hoạt động KHCN mang lại đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Tập đoàn nói chung và cho toàn xã hội nói riêng. Có thể lấy một số ví dụ sau:

Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy biến áp 220/110/22 kV - 250 MVA và sản xuất dầu biến áp” do Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh chủ trì thực hiện (2007-2008): Sản phẩm máy biến áp 250 MVA chế tạo thành công đã được đưa vào sử dụng tại trạm biến áp 220 kV Thái Nguyên. Sau thời gian vận hành tại hiện trường, máy làm việc ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật về điện, về cơ và về nhiệt theo tiêu chuẩn IEC 60076. Trên cơ sở kinh nghiệm trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp trên, Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã thiết kế, chế tạo và tiếp tục đưa vào vận hành 8 tổ máy biến áp 220 kV có công suất từ 125 MVA đến 250 MVA. Thành công trong việc chế tạo trong nước máy biến áp 220 kV đã góp phần nâng cao năng lực cơ khí điện lực của Việt Nam nói chung và tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, góp phần hạ giá thành sản phẩm máy biến áp 220 kV trong đấu thầu mua sắm thiết bị cũng như thuận lợi, chủ động trong cung cấp thiết bị của Tập đoàn.

Tiếp theo là Đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo dao cách ly có điều khiển điện áp 220 kV và máy ngắt điện áp đến 35 kV” do Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh thực hiện (2008-2009): Đã hoàn thành thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dao cách ly có điều khiển điện áp đến 110-220 kV đạt theo tiêu chuẩn IEC60298 (06 bộ dao cách ly 110 kV và 4 bộ dao cách ly 220 kV). Các sản phẩm dao cách ly này đã được Công ty ký hợp đồng với đơn vị sử dụng và đưa vào lắp đặt sử dụng tại hiện trường. Đối với máy cắt điện áp 35 kV, Công ty đang khẩn trương nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ chế tạo, lắp ráp.

Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh trong năm 2009-2010 cũng là “tác giả” của Đề tài “Nghiên cứu thiết kế phục hồi máy biến áp lớn, điện áp 500 kV”. Hiện Đề tài đã hoàn thành khảo sát, tính toán, lập phương án công nghệ, sửa chữa đại tu 3 tổ máy biến áp 1 pha 500 kV – 3 x 150 MVA. Đến nay, Công ty đã hoàn thành sửa chữa 3 máy biến áp 1 pha 500 kV do Cộng hoà Ucraina thiết kế chế tạo lắp đặt tại Nhà máy Thuỷ điện Ialy và đang nghiên cứu thiết kế sửa chữa phục hồi máy biến áp 1 pha do Hãng Alstom - Cộng hoà Pháp thiết kế chế tạo lắp đặt tại trạm 500 kV Hoà Bình. Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh không hổ danh là “át chủ bài” của hoạt động nghiên cứu khoa học của EVN. Đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo tổ máy biến áp điện lực 3 pha 500 kV – 3 x 150 MVA” cũng do Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh thực hiện (2009-2011) hiện đã hoàn thành bước khảo sát, nghiên cứu lựa chọn mẫu, tính toán điện từ cho máy biến áp. Ngoài ra, Công ty đã phối hợp với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thống nhất về các thông số, yêu cầu kỹ thuật và địa điểm dự kiến lắp đặt máy biến áp sau khi thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công.

Đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tổ máy nhiệt điện đốt than có công suất đến 600 MW” do Viện Năng lượng (trước đây thuộc EVN) thực hiện, đã được phê duyệt đề cương, thời gian thực hiện 2008-2010, hiện nay đang làm các thủ tục để Nhà nước cấp kinh phí thực hiện.

Phát huy thắng lợi, với tinh thần thi đua sáng tạo, Viện Năng lượng tiếp tục thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá giám sát an ninh hệ thống điện Việt Nam”. Hiện Đề tài đã được chấp thuận đề cương và dự toán, kế hoạch thực hiện 2010 - 2011.

Trong giai đoạn 2006- 2010, EVN thực hiện 3 Dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) cấp Nhà nước. Thứ nhất là Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng dây chuyền sản xuất, lắp ráp các thiết bị trạm pin mặt trời phục vụ miền núi và hải đảo (ứng dụng tại đảo Lý Sơn)” do Viện Năng lượng thực hiện hiện đã hoàn thành với kết quả là đã xây dựng được dây chuyền sản xuất trong nước về thiết bị điều khiển cho trạm pin mặt trời, ứng dụng lắp đặt các dàn pin tại đảo Lý Sơn, mở ra triển vọng nội địa hoá sản xuất thiết bị pin mặt trời. Nhiệm vụ thứ 2 được Nhà nước giao theo Nghị định thư Việt Nam - Cuba “Tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ thiết kế hầm khí sinh học qui mô lớn dạng hình ống với kết cấu bê tông cốt thép và phương pháp làm sạch H2S, CO2 trong khí sinh học cho Cuba” do Viện Năng lượng thực hiện. Đề tài hoàn thành giúp Cuba thiết kế, xây dựng, vận hành thiết bị khí sinh học cỡ lớn với các loại kết cấu, phương pháp làm sạch khí sinh học; mở rộng quy mô ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải của công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm và phát triển chăn nuôi ở quy mô lớn. Nhiệm vụ thứ 3 được Nhà nước giao theo Nghị định thư Việt Nam - Vương quốc Bỉ “Đánh giá tính khả thi của các hệ thống năng lượng tái tạo gió và mặt trời cho các đảo và các vùng nông thôn Việt Nam” do Viện Năng lượng hợp tác với Trường Đại học Leuven và 3E NV- Vương quốc Bỉ. Hiện nhiệm vụ đang triển khai đo đạc các thông số về gió và mặt trời ở các vùng có khả năng của Việt Nam và sẽ được nghiệm thu trong quý III/2009.

Về Đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ Công Thương, EVN cũng hoàn thành 7 đề tài. Xuất sắc nhất là Đề tài “Đánh giá chất lượng nước chứa tại các công trình thuỷ điện trong các giai đoạn bắt đầu ngăn sông, xây dựng, tích nước và vận hành làm cơ sở lựa chọn phương án thu dọn lòng hồ nhằm đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn môi trường” (nhiệm vụ bảo vệ môi trường) do Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) EVN thực hiện trong 3 năm (2006-2008), đã được Hội đồng khoa học Bộ Công Thương nghiệm thu đạt kết quả “Xuất sắc”. Tiếp theo là 3 Đề tài “Xây dựng quy định về quản lý và bảo vệ môi trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”; “Xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý chất thải rắn tại các nhà máy nhiệt điện đốt than của EVN”; “Nghiên cứu xây dựng phương pháp tính toán phân bổ cường độ điện từ trường của đường dây truyền tải điện trên không”. Cả ba đề tài này đã được Bộ Công Thương nghiệm thu. Còn 3 đề tài đang trong giai đoạn hoàn tất là “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm máy đo ắc quy theo phương pháp đo nội trở để suy ra tuổi thọ của ắc quy”; “Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận và chương trình kiểm toán năng lượng tại các nhà máy điện của EVN” và “Nghiên cứu vấn đề bảo vệ chống sét lan truyền đối với trạm biến áp cao áp 220 kV và siêu cao áp 500 kV của hệ thống điện Việt Nam”. Ngoài ra, một số đơn vị của EVN như Viện Năng lượng (trước 2010), Trường Đại học Điện lực... trực tiếp đăng ký thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương.

Để thống nhất quản lý, khuyến khích và nâng cao chất lượng các hoạt động NCKH và phát triển công nghệ trong toàn Tập đoàn, (trước đây là Tổng công ty Điện lực Việt Nam), ngay từ đầu năm 2006, EVN đã ban hành “Quy chế Quản lý công tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam” (Quyết định số 35/QĐ-EVN-HĐQT ngày 13/01/2006) và đến năm 2008 đã sửa đổi thành “Quy chế Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” (Quyết định số 390/QĐ-EVN ngày 30/06/2008) cho phù hợp với mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước. Đồng thời, Tập đoàn đã phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghệ điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” (Quyết định số 751/QĐ-EVN ngày 30/12/2008) nhằm định hướng lộ trình phát triển, ứng dụng công nghệ cho Công ty mẹ và các đơn vị của EVN trong sản xuất và kinh doanh điện năng gồm các khâu phát điện, truyền tải và phân phối điện, kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng; đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn hệ thống trong giai đoạn từ nay tới 2015, định hướng đến 2025. Vì vậy, trong giai đoạn 2006-2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành nghiệm thu và giao các đơn vị EVN thực hiện 44 Đề tài/nhiệm vụ NCKH cấp Tập đoàn. Hiện nay, EVN đang tổ chức xét duyệt đề cương nghiên cứu của 7 đề tài/đề án NCKH cấp EVN để thực hiện trong giai đoạn 2010-2012.

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/09/2005 về Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ có Viện Năng lượng là một tổ chức KH&CN phải thực hiện chuyển đổi (từ ngày 01/01/2010 Viện Năng lượng đã chuyển về thuộc Bộ Công Thương). Đánh giá chung, sau 2 năm hoạt động theo Nghị định 115, việc chuyển đổi Viện Năng lượng hoạt động theo cơ chế mới bước đầu đã thành công mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

 

Hoàng Quân

lên đầu trang