Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 10:14

Thứ sáu, 17/05/2024 | 10:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:30 ngày 20/07/2013

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống điện

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ lưới điện thông minh và định hướng áp dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Lãnh đạo các Ban của EVN cùng hơn 30 cán bộ quản lý tại các đơn vị trực thuộc EVN và các chuyên gia của WB tới dự.

 

 

Khai mạc Hội thảo, ông Trần Việt Anh – Phó Ban Quan hệ quốc tế EVN khái quát sơ lược về hiện trạng công nghệ trong ngành điện của Việt Nam, sự cần thiết được WB đầu tư vốn để cùng hợp tác nhằm phát triển các công nghệ tiên tiến.

 

Lưới điện thông minh (Smart Grid) là hệ thống đưa điện từ điểm sản xuất tới điểm tiêu thụ được tích hợp với công nghệ thông tin và thông tin liên lạc để tăng cường các hoạt động của lưới dịch vụ khách hàng và các lợi ích về môi trường. Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống điện một cách thông minh là xu hướng của các nước phát triển trên thế giới. Hiện nay, các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada và Châu Âu đã phát triển mạnh công nghệ này.

 

Quản lý vận hành hệ thống điện bao gồm rất nhiều công việc như: thao tác đóng cắt, thu thập số liệu vận hành, thống kê và phân tích số liệu để xây dựng kế hoạch bảo dưỡng thiết bị và phát triển lưới điện, tìm điểm sự cố và khôi phục cấp điện...; Kinh doanh điện năng bao gồm quản lý khách hàng, ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện…; Công suất phát điện của các nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời…phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, việc điều tiết để đưa nguồn năng lượng này vào hệ thống điện là quá trình rất phức tạp. Các công việc này là một khối lượng vô cùng lớn và khó khăn, được thực hiện bằng sức người, đòi hỏi chi phí về tài chính và thời gian. Hệ thống điện thông minh làm cho việc quản lý vận hành, kinh doanh, điều tiết các nguồn năng lượng…trở nên đơn giản, nhanh chóng với chất lượng dịch vụ cao. Các thiết bị đóng cắt điều khiển từ xa, thiết bị cảm biến - công tơ điện tử đo và truyền số liệu về trung tâm máy tính…hoàn toàn thay thế sức người. Thông thường khi có sự cố, người quản lý vận hành phải tìm ra điểm sự cố và tách hai điểm sự cố ra khỏi vận hành và khôi phục cấp điện. Thời gian mất điện do người vận hành phải di chuyển và thao tác đóng cắt...kéo dài nhiều giờ, phạm vi mất điện lớn. Nếu áp dụng lưới điện phân phối thông minh, cả hai việc trên được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoảng 3-5 phút, phạm vi mất điện được thu hẹp.


Tham luận tại Hội thảo, ông Hồ Viết Thống – Phó Ban Kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, trong những năm qua, bên cạnh việc cải tạo và mở rộng công suất và lưới điện phục vụ sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của Thủ đô, EVN HANOI đã quan tâm ứng dụng thí điểm công nghệ mới để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện. Hệ thống Scada cho phép thu thập số liệu vận hành và điều khiển thao tác thiết bị điện từ xa. Đến nay, 17/34 trạm 110 kV đã được trang bị hệ thống Scada, trong đó 11 trạm truyền số liệu bằng cáp quang, 6 trạm sử dụng truyền sóng radio và 4 trạm có thể đóng cắt từ xa. Đối với lưới phân phối 22 kV, có 3 trạm được ứng dụng thí điểm là: Hoàng Hoa Thám 1, Quán Thánh 1 và Máy tính Núi Trúc.

Trong những năm tới, EVN HANOI sẽ lắp đặt hệ thống Scada tại tất cả các trạm 110 kV và ứng dụng công tơ điện tử truyền số liệu từ xa để phục vụ công tác kinh doanh điện. Tháng 05-2010, hệ thống Smart Grid đã được lắp đặt cho Công ty Điện lực Hoàn Kiếm và Công ty Điện lực Ba Đình tại 74 đường trục của 6 trạm 110 kV và 13 điểm ranh giới và đang trong giai đoạn chuẩn bị nghiệm thu. Khi đưa vào sử dụng, việc đo đếm đầu nguồn được thực hiện từ xa, rất thuận tiện cho công tác quản lý kinh doanh và lưu trữ số liệu. Các công nghệ mới khác như lưới phân phối trung thế tự động phát hiện, cô lập điểm sự cố DAS và đo lường từ xa cũng được thử nghiệm. Ban Kinh doạnh đang thí điểm đặt công tơ điện tử cho 143 khách hàng lớn và truyền số liệu từ xa thông qua mạng điện thoại di động công nghệ GSM…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phan Thị Thuỷ Tiên - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường EVN đã đánh giá cao các tham luận đóng góp của các đơn vị. Việc ứng dụng Smart Grid vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giảm chi phí nhân công và nâng cao chất lượng dịch vụ, tuy nhiên cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn. Vì vậy vai trò của WB trong việc đầu tư vốn cho EVN để phát triển  công nghệ tự động, điều khiển thao tác từ xa vào lưới điện là hết sức quan trọng.

 

Hải Minh 

lên đầu trang