Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 08/09/2024 | 08:16

Chủ nhật, 08/09/2024 | 08:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:12 ngày 16/05/2024

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia

Ngày 15/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập (1959- 2024).
Với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia", sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, cùng đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế; cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: VnEpress)
Dấu ấn KHCN trong các lĩnh vực
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, tròn 50 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất, ngày 18/5 hằng năm đã được quy định là Ngày KH&CN Việt Nam tại Luật KH&CN năm 2013. Sau hơn 10 năm được tổ chức, Ngày KH&CN Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội của lực lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. 
Trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH&CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương.
Thông qua hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đã từng bước đơn giản hóa về thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tăng cường hậu kiểm; tạo môi trường học thuật tiên tiến và thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện (Ảnh: VnEpress)
Đầu tư cho KH&CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hoá. Trước đây chủ yếu chi từ ngân sách nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%). Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH,CN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hoạt động KHC7Cn cũng đã ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực như: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế,...
Để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược và là động lực chính cho phát triển KT-XH, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống ĐMST quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, qua đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi niềm đam mê khoa học và khát vọng phát triển, vượt lên mọi khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Nhiệm vụ trọng tâm phát triển KHCN
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Theo đó khoa học và công nghệ hiện diện trong các công trình lớn của quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu... "đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người". Vừa qua, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu KHCN tiêu biểu trong 65 năm. (Ảnh: VnEpress)
Người đứng đầu Chính phủ  đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, 6 nhiệm vụ gồm:
Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KHCN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KHCN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, nhất là nhà khoa học trẻ, nhà khọc trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...
Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KHCN tiên tiến, hội nhập thế giới.
Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu KHCN tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn...thời gian qua.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.
Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả ĐMST của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST.
Minh Khuê

lên đầu trang