Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 17:56

Thứ bảy, 04/05/2024 | 17:56

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 11:43 ngày 16/07/2021

Máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang "make in Vietnam"

Sản xuất giấy chất lượng cao ngày càng được chú trọng với sự đầu tư công nghệ mới hiện đại. Để sản xuất sản phẩm có chất lượng cao đạt về chỉ tiêu cơ lý, hóa lý và sinh thái là cả một quá trình kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay vì thiếu máy móc thiết bị chuyên dụng.
 
Để giải quyết các vấn đề trên, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, Chi nhánh CTCP Viện Nghiên Cứu Dệt May đã triển khai Nghiên cứu thiết kế chế máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang phục vụ sản xuất. Nghiên cứu nhằm thay thế hàng nhập khẩu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị và đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất giấy trong nước.

Theo Th.S Nguyễn Văn Chất, chủ nhiệm đề tài, hiện nay các công ty sản xuất giấy trong nước chủ yếu sử dụng máy nhập khẩu theo phương ngang, dễ thao tác và đáp ứng tiêu chuẩn phương pháp thử. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu cao và không làm chủ được thiết bị. Quá trình bảo trì sửa chữa đều phải phụ thuộc vào hãng sản xuất máy từ nước ngoài. Mặt khác, nghiên cứu chế tạo thiết bị đo độ bền giấy chưa có tổ chức nào nghiên cứu chế tạo ở Việt Nam.

Bản vẽ thiết kế máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang
Để tiến hành thử độ bền kéo của sản phẩm, nhóm thực hiện đề tài lựa chọn thiết bị thử độ bền kéo là loại như được mô tả trong Tiêu chuẩn Việt Nam 1862-2 (ISO 1924-2). Thiết bị có khả năng kéo căng mẫu thử giấy tissue hoặc sản phẩm tissue có kích thước nhất định ở tốc độ giãn dài không đổi là (50 ± 2) mm/min và ghi lại lực kéo là hàm số của độ giãn dài trên máy ghi băng hoặc thiết bị tương tự. Bên cạnh đó, hệ thống đo lực phải đo tải trọng chính xác đến ± 1 % của giá trị đọc hoặc ± 0,1 N. Hệ thống này phải được hiệu chuẩn và kiểm tra theo đúng yêu cầu trong ISO 7500-1.
 
Sau đó, tổ đề tài sử dụng bộ quả cân chuẩn cấp chính xác F1 đã được liên kết chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn ISO 17025-2005 và tính lực tác dụng là tích của khối lượng quả cân với gia tốc trọng trường, để xác định độ chính xác của hệ thống đo lực.
 
Các chỉ số kết quả đầu ra bao gồm thang đo lực : 0,5%, tốc độ di chuyển: 1 mm/phút, khoảng cách 0,2 mm, thời giam ngâm mẫu 0,5 giây. Điều này cho thấy máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang do nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo có độ chính xác cao và đáp ứng tiêu chuẩn phương pháp thử.

Máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang hoàn toàn gia công chế tạo tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 86%.
Hiện máy cũng đã được tổ chức chạy mẫu so sánh liên phòng với phòng thí nghiệm của Cty Cổ Phần Viện Nghiên Cứu  Dệt May tại Hà nội, kết quả đạt độ tin cậy. Ngoài ra, máy cũng được lắp đặt tại Phòng thí nghiệm Chi nhánh Công Cty CP Viện Nghiên Cứu Dệt May tại TP. HCM.
 
Máy thử độ bền kéo đứt giấy theo phương nằm ngang hoàn toàn gia công chế tạo tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 86%. Nhà máy sản xuất giấy áp dụng sẽ mang lại lợi ích như hoàn toàn kiểm soát được chất lượng và chủ động trong việc thiết kế và tổ chức sản xuất; kịp thời phát hiện, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà máy; giảm chi phí đầu tư máy nếu phải nhập máy ngoại cùng loại.
 
Sản phẩm được kì vọng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất giấy nâng cao được chất lượng sản phẩm, chủ động trong việc sản xuất và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu góp phần phát triển ngành giấy Việt Nam, đồng thời tác động thúc đẩy các ngành khác trong nước cùng phát triển như ngành cơ khí chế tạo máy và các ngành công nghiệp chế biến khác.

Hà Trần
lên đầu trang