Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 18:26

Thứ sáu, 17/05/2024 | 18:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:57 ngày 10/07/2013

Xu hướng sử dụng bao bì sinh học

 

Bao bì nhựa không phân hủy có thời đã là “niềm tự hào” của người sản xuất và tiêu dùng. Cách đây gần 30 năm, ở ta, người tiêu dùng rất thích bao bì nhựa, từng có người bán dạo các chai, túi nhựa đã qua sử dụng...đến khi nhìn thấy đàn gia súc kiếm ăn trong bãi rác túi ni lon, và các hộp nhựa tái chế đựng suất ăn thì sự hoảng sợ đã rập rình… Làm vơi sợ hãi sản đó, nhiều nhà khoa học đau đáu kiếm tìm công nghệ mới, các nhà môi trường tất bật vận động chống lại tác hại của bao bì nhựa, cùng nhau tìm về bao gói sinh học nhanh phân hủy.

 Nguồn gốc và hậu quả

Tìm ra dầu mỏ, tạo năng lượng cho tăng trưởng kinh tế và văn minh công nghiệp, cùng với các chế phẩm tái sinh đó là chất dẻo (plastic) đã cho nhân loại cả trăm năm nay quen với bao bì chất dẻo làm bao gói thực phẩm, đóng gói các vật tư, đồ tiêu dùng, “nhựa gói nhựa” thỏa mãn nhu cầu của dân số gia tăng, đồng thời gieo rắc thảm họa môi trường bởi chất dẻo đó chỉ phân hủy trong thời gian từ 400 - 1000 năm.


Đây là hậu quả của bao bì nhựa: Chất dẻo chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí CO2, mê tan và khí dioxin cực độc, khi nhiệt độ cao đến 700 C sẽ phát tán vào không khí. Hộp xốp không được kiểm nghiệm hoặc tái chế khi đựng thức ăn nóng tác động đến hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, thậm chí gây ung thư. Các đồ nhựa có màu, bột màu không rõ nguồn gốc lại càng nguy hiểm khi con người tiếp xúc trực tiếp hoặc các chất màu đó tan vào trong môi trường.

Các bao bì nhựa không được tái chế, xả vào môi trường sẽ đi đâu? Được dùng một lần, sau thành rác ở các bãi chôn lấp tập trung, tồn ở các khu dân cư, hố ga, bờ cát bãi biển, trong đồng ruộng, núi đồi, vườn nhà dân, mắc trên cây, trong các đường ống,…lâu dài nó mới phân hủy thành những mảnh vụn lẫn vào đất, dòng nước, chui vào bụng sinh vật, hoặc sinh vật chui vào đó mà chết, tạo ra các “u” trong đất, cơ thể sinh vật. Ở bệnh viện Việt Đức, các bác sỹ lấy khá nhiều dị vật nhựa như mẩu ống bút bi, mẩu nhựa trong cơ thể bệnh nhân. Trong nội tạng chim cánh cụt ở Nam Cực cũng có những thành phần nhựa, mỡ chim nhiễm cả chất dioxin do rác của con người đến đó xả ra.

Thị trường nhựa thế giới tăng trưởng trên 5% mỗi năm, sử dụng khoảng 200 triệu tấn/năm. Ở Việt Nam sử dụng nửa triệu tấn, các nước công nghiệp sử dụng nhiều nhất, riêng nước Đức tới 14 triệu tấn bao bì nhựa mỗi năm. Cùng với lượng nhựa tái chế ở các cơ sở nhỏ và vừa, làm cho số lượng sản phẩm nhựa bao bì tăng mạnh với giá thành không lớn. Con người đã và đang phải mặc nhiên chấp nhận sử dụng bao bì nhựa và những hậu quả của nó.

Tại các siêu thị, dân cư thành phố với lối sống công nghiệp, dùng nhiều đồ ăn nhanh, đồ dùng sử dụng một lần làm cho các bao bì nhựa ngày càng len lỏi vào đời sống. Một chiếc đũa được bao gói ni lon, một nắm xôi đựng trong hộp xốp, miếng nhựa, giấy hoặc lá cho vào túi nhựa; Một hộp nhựa, túi nhựa nước mía, nước ép được cho vào túi nhựa, cùng bao nhiêu chuyến dã ngoại, du lịch dùng toàn đồ nhựa một lần! Người tiêu dùng biết tác hại, không thích, nhưng khi đã là thói quen thì khó mà thay thế và biện hộ nó không vô hại! Thế nhưng các nhà khoa học Anh sau nhiều năm nghiên cứu đã đi đến kết luận là, chất Bisphenol A là một hoá chất thông dụng, rẻ tiền, một thành phần trong các chất dẻo có thể dẫn tới các bệnh tim mạch.

Bao bì sinh học

Khoảng gần 100 năm trước thế giới dùng bao bì bằng chất hữu cơ trong thiên nhiên dạng sợi xenlulo, dùng nhiều lần như bao bì gỗ, bao đay, cói… sau thành rác được tái chế thành bột giấy, phân hữu cơ, tự hủy trong môi trường, tan vào đất làm tăng dinh dưỡng cho cây trồng, bây giờ là mong muốn của giới khoa học, của những người tiêu dùng với khẩu hiệu "Hữu cơ đựng trong bao đựng bằng hữu cơ". Hướng đi của chất dẻo sinh học là chế biến các hợp chất hữu cơ trong thiên nhiên kết hợp với phụ gia bảo đảm nhanh phân hủy trong môi trường tự nhiên được người tiêu dùng và các nhà bảo vệ môi trường ủng hộ.

Tại châu Âu có tới 6 triệu tấn bao bì cần thay thế, Tổ chức Chất dẻo sinh học châu Âu (European Bioplatics) cho biết thị trường đã phát triển mạnh từ năm 2006 thay thế dần chất dẻo không phân hủy; Dự án Loop Linz ở miền Bắc nước Áo đưa ra thị trường loại bao bì thích hợp với môi trường, nhiều sản phẩm được bao gói  bằng chất dẻo sinh học chế tạo từ bột thực vật, những người làm vườn mua được những bao bì sinh học một cách thuận lợi.

Bộ Nông nghiệp Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp sản xuất chất dẻo sinh học tự phân huỷ từ lúa gạo, chất hữu cơ với sản lượng hơn 2 vạn tấn/năm để thay dần 14 triệu tấn chất dẻo không phân hủy; Một công ty ở Châu Âu tạo loại chất dẻo mới từ polylactics, sản phẩm lên men của carbonhydrate dễ kéo sợi, tấm, màng, vi khuẩn trong đất sẽ biến chúng thành mùn, CO2 , nước, có thể sẽ được sử dụng làm sản phẩm dùng một lần…Các nhóm nghiên cứu khác đi theo hướng sử dụng cỏ, rơm rạ, cây có sợi để dệt vải sinh học làm nguyên liệu bao bì các loại.

Ở Việt Nam: Nhóm nghiên cứu ở Khoa học Vật liệu (Đại học Khoa học tự nhiên, TP.HCM) “đã sử dụng hỗn hợp tinh bột nhiệt dẻo và nhựa PVA có sự hiện diện của khoáng sét Montmorillonite phân tán ở khích thước nanomét, cùng một số phụ gia biến tính để làm ra sản phẩm bao bì có khả năng phân hủy sinh học hoàn tòan và nhanh chóng, không gây ô nhiễm môi trường”; Viện Hóa học Công nghiệp (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công vật liệu polyme phân hủy sinh học không gây ô nhiễm môi trường, vật liệu đã ứng dụng ở một số nông trường; Một số nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã chế tạo được tấm mền hữu cơ thấm hút chất thải chăn nuôi ở trang trại Sóc Sơn (Hà Nội) sau đó chuyển sang làm phân bón.

Hướng nghiên cứu bao bì sinh học đã được Paul Anastas và John Warner (năm 1998) đưa ra trong 12 nguyên tắc hóa học xanh, nguyên tắc hàng đầu là “ngăn ngừa sự phát sinh của chất thải hơn là là xử lý hay làm sạch chúng”. Như vậy cần có chế tài cho nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Chế tài chống thói quen

Nước Anh đưa ra sắc thuế mới áp dụng từ đầu năm 2011, mỗi túi ni lon khách hàng phải nộp khoảng 4.500 đồng cho cửa hàng. Số tiền thu được dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Ireland áp dụng thuế túi ni lon từ năm 2002, số lượng túi ni lon mà người dân sử dụng giảm nhanh và chi phí xử lý rác thải cũng giảm rõ rệt. Ở Đài Loan, mỗi ngày dùng tới 15 triệu túi nhựa bán cho người tiêu dùng, năm 2002, Đài Loan nghiêm cấm việc phân phối tự do túi nhựa và bộ đồ ăn dùng một lần bằng nhựa polystyrene… Nhiều quốc gia khác ở chú trọng đánh “Thuế Xanh” trong đó nhóm bao bì, vỏ bọc, tấm lót, thảm,… được quan tâm.

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra mức tính thuế đối với túi ni lon dự kiến là 45.000 đồng/kg, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010.

Ngoài chế tài, các chương trình vận động không dùng túi ni lon và phân loại rác thải theo phương thức 3R (sáng kiến Tokyo 2005): Reduce (giảm thiểu) như dùng làn đi chợ, dùng bao gói sinh học;  Reuse (tái sử dụng) khuyến cáo sử dụng lại chai đựng nước khoáng để đựng nước; Recycle (tái chế) phân loại rác để gom thành nguyên liệu tái chế. Ở Việt Nam đã có phong trào “ngày không túi ni lon” đối tượng là các bà nội trợ, thanh thiếu niên, các siêu thị. Tuy nhiên, thói quen sử dụng rất khó thay đổi, chỉ có những người mua bán đồng nát, công nhân vệ sinh là lực lượng chính gom bao bì chất dẻo để chuyển cho nhà sản xuất tái chế, nhưng việc kiểm soát sản phẩm tái chế chưa cao, các túi ni lon vẫn tràn các chợ dùng chứa thực phẩm sau đó làm túi rác và tái chế... Khi giá của bao bì nhựa tăng theo giá dầu, thuế làm giảm thói quen sản xuất, tiêu dùng để chuyển sang bao bì sinh học làm từ ngũ cốc lại vấp phải sự cạnh tranh với an ninh lương thực và nhiên liệu sinh học. Do vậy, hướng sử dụng bao bì sinh học từ cây có sợi khả quan hơn.

 

Mai Nguyên

lên đầu trang