Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 19:39

Thứ hai, 06/05/2024 | 19:39

Chính sách

Cập nhật lúc 13:17 ngày 18/08/2021

Ngành khoa học và công nghệ đóng góp quan trọng trong phòng, chống Covid-19

Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Thực hiện 10 nhiệm vụ đột xuất
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ngay từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, Bộ KH&CN đã khẩn trương huy động kịp thời lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp phối hợp xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Nhiều nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Cùng với đó, huy động, kết nối hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN, nhóm nghiên cứu tại các nước để trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch. Đặc biệt, phê duyệt 10 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19.
Sau quá trình triển khai, các kết quả đạt được gồm: Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, góp phần nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, sản xuất kháng thể đơn dòng và vaccine; nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.
Bộ KIT trên đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS); Tổ chức Y tế thế giới cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm và cho phép lưu hành toàn cầu.
Đáng chú ý, sản phẩm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu sản xuất, Bộ KH&CN hỗ trợ 30% kinh phí nghiên cứu, đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, mang lại nhiều hy vọng cho nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Bộ KH&CN còn chủ trì, phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Công nghệ DTT điều phối Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc) triển khai miễn phí ứng dụng Microsoft Teams - nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến và tương tác trực tuyến trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 như xây dựng bản đồ vùng dịch (sử dụng Vmap), nền tảng theo dõi di chuyển và biến động của khách nước ngoài tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế...
Mặt khác, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vượt qua dịch bệnh. Cụ thể, cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn...); tập trung ưu tiên cơ sở, vật chất, nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang y tế...
Đồng thời, yêu cầu các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài; chủ động kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% mức phí cấp xác nhận sử dụng mã nước ngoài; áp dụng các biện pháp gia hạn dành cho người nộp đơn về sở hữu trí tuệ, trong đó có người nộp đơn nước ngoài chịu ảnh hưởng của Covid-19…
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang