Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 12:06

Chủ nhật, 28/04/2024 | 12:06

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 14:34 ngày 01/09/2021

Hệ thống cơ sở dữ liệu - Sự cần thiết cho sự phát triển ngành công nghiệp giấy

Hiện nay, trong chiến lược phát triển công nghiệp nói chung, cũng như ngành công nghiệp giấy nói riêng, cơ sở dữ liệu là một dạng tài nguyên quan trọng đối với các doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu cũng đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để quản lý và sử dụng chung, thống nhất, đặc biệt là các thông tin cơ bản (tên doanh nghiệp, địa chỉ, thông tin liên lạc, thông tin về công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, môi trường,…) góp phần tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là hệ thống dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý nhà nước liên quan đến công tác dự báo xu hướng phát triển ngành, công tác quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển ngành phù hợp với thực tiễn. Do vậy, nhu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành giấy là rất cấp thiết. Bài báo sẽ phân tích tổng quan về thực trạng về cơ sở dữ liệu ngành giấy và gợi mở giải pháp xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giấy phục vụ cho công tác quản lý ngành của cơ quan quản lý nhà nước.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành giấy và bột giấy là một ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời và là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, đóng góp lớn cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Do sản phẩm của ngành giấy có nguồn gốc đặc thù xuất phát từ lâm nghiệp, nên ngành này được xem là ngành thị trường nội địa.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp giấy trong những năm gần đây đã có những phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm, giai đoạn 2015-2020 năng lực sản xuất giấy của Việt Nam tăng trung bình trên 30%/năm; sản lượng tăng trung bình trên 25%/năm; nhu cầu tiêu dùng tăng trên 12%/năm; nhập khẩu tăng trung bình 3%/năm và xuất khẩu tăng trung bình trên 65%/năm [1].
Theo dự báo, giai đoạn 2021-2025, ngành giấy Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và bứt phá vượt bậc với các sản phẩm chính là giấy bao bì, giấy tissue... của các doanh nghiệp FDI và một số các doanh nghiệp có tiềm lực trong nước. Chỉ tính riêng giai đoạn cuối 2020, đầu 2021 đã có 6 dây chuyền giấy bao bì mới hoàn thành, được đưa vào hoạt động và có khả năng cung cấp thêm 1,2 triệu tấn sản phẩm/năm cho ngành giấy Việt Nam, đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và giành một phần cho xuất khẩu [1].
Mặc dù là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam cũng như trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên cơ sở dữ liệu của ngành giấy Việt Nam mới chỉ có các thông tin cơ bản về doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký quản lý kinh doanh tại các tỉnh, thành phố và các dữ liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp được báo cáo đến các cơ quan quản lý thuế. Các dữ liệu khác của ngành giấy như công nghệ kỹ thuật, loại nguyên liệu sử dụng, sản phẩm kinh doanh chính và các thông tin khoa học về ngành giấy vẫn chưa được thống nhất, quản lý tập trung.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giấy không chỉ nhằm mục đích quản lý, sử dụng chung, thống nhất trong cả nước, đặc biệt là các thông tin được cập nhật như tên doanh nghiệp, địa
chỉ, thông tin liên lạc, các thông tin cần được quan tâm khác như: tình hình hoạt động của doanh nghiệp (số lượng sản xuất, lao động…), thông tin sản phẩm, công nghệ, môi trường (khí xả thải vào môi trường, chất thải vào nước)..., mà còn góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước liên quan đến công tác dự báo xu hướng ngành, công tác quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển ngành phù hợp với thực tiễn cũng như tăng cường khả năng kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh
của các doanh nghiệp. Đây còn là nguồn tư liệu chính quy phục vụ công tác nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về ngành giấy. Do đó nhu cầu xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trong
ngành là rất cấp thiết.
2. XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC DỮ LIỆU THÀNH TÀI NGUYÊN SỐ - HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY
• Tình hình nghiên cứu, khai thác cơ sở dữ liệu ngành giấy 
Trên thế giới, hiện các tổ chức như FAO với nguồn cơ sở dữ liệu rộng lớn tập trung vào các dữ liệu thương mại ở cấp độ các quốc gia trong ngành giấy và bột giấy; Industrial Efficiency với cơ sở dữ liệu phục vụ việc so sánh mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành; Statista và RISI cung cấp cơ sở dữ liệu dưới dạng các báo cáo liên quan đến tình hình thị trường, các chỉ số chính, các quốc gia sản xuất chính và các công ty hàng đầu ngành; infoglobaldata có cơ sở dữ liệu cung cấp danh sách địa chỉ hòm thư các tổ chức, địa chỉ liên hệ liên quan đến nhà máy giấy, bột giấy, khai thác gỗ từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đến các công ty trong nhóm Fortune trên toàn
cầu; Danh bạ doanh nghiệp Yellow Pages, World Business Directory là các cơ sở dữ liệu toàn cầu do doanh nghiệp đăng ký và cập nhật phục vụ việc xúc tiến, các thông tin đăng tải trên
đây hướng đến phục vụ tra cứu thông tin liên lạc. Một số các tổ chức, cá nhân tự xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu liên quan đến ngành giấy, bột giấy để phục vụ mục đích thương mại cá nhân [3,4].
Tại Việt Nam, xét riêng cơ sở dữ liệu, cho đến nay nhiều công trình nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý (GIS) về tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, đất đai, y tế, văn hóa, dân số… được nhà nước chú trọng đầu tư và đã có chủ trương xây dựng trên cơ sở công nghệ hiện đại phục vụ quản lý thống nhất và chia sẻ, khai thác thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. 
Trong số các nghiên cứu được thực  hiện, hiện chưa có công trình nào được triển khai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành công nghiệp cụ thể, bao gồm cả ngành giấy. Các dữ liệu
trong ngành được các Hiệp hội chuyên ngành xây dựng và quản lý thủ công, các thông tin dữ liệu giới hạn trong số các hội viên tham gia và mới chỉ dừng ở cơ chế báo cáo thủ công định kỳ; thông tin chưa được đầy đủ, toàn diện cho cả ngành và hạn chế các đơn vị, cơ quan có thể tiếp cận được dữ liệu thông tin.
Hiện tại trong ngành công nghiệp giấy Việt Nam, các doanh nghiệp đang dần thay đổi và có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản, việc tập trung vào công nghệ số để hình thành lên các tài nguyên số sẵn sàng đáp ứng cho mọi hoạt động kinh tế. Một số doanh nghiệp đã và đang triển khai các dự án số hóa dữ liệu hay tạo các kênh dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, kết nối các doanh nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên các hoạt động này chưa mang tính hệ thống và các dữ liệu số này chưa được chuyển thành tài nguyên kinh tế hay phổ biến rộng rãi.
• Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp giấy 
Các thông tin cơ bản như tên doanh nghiệp, địa chỉ, thông tin liên lạc, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (số lượng lao động, sản phẩm), thông tin về công nghệ, môi trường, … các đơn
vị cung cấp vật tư, hóa chất phụ trợ cho ngành giấy và bột giấy Việt Nam, các thông tin từ khái niệm, khoa học công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm của các đơn vị trong ngành, hình ảnh thực tế… đều có thể được chuyển thành cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác. Toàn bộ các dữ liệu này sẽ số hóa, quản lý tập trung, trực tuyến bởi một hệ thống phần mềm CSDL duy nhất.
Hệ thống CSDL này dự kiến sẽ có hai nhóm chức năng chính là nhập và xuất dữ liệu.
+ Nhập dữ liệu: Hệ thống CSDL hỗ trợ nhiều phương thức nhập liệu với khả năng tuỳ biến nhất định để phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng người dùng. Phương pháp chính là hệ
thống hỗ trợ định dạng dữ liệu người sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống có thể có chức năng thiết lập biểu mẫu và gửi biểu mẫu thu thập thông tin này qua email tới nhiều đối tượng khác
để đề nghị điền và cung cấp thông tin.
Thông tin thu thập được lưu trữ trong hệ thống dưới một định dạng người sử dụng tự định nghĩa. Chức năng này sẽ thuận tiện cho việc thu thập thông tin từ các đơn vị trong các cuộc
điều tra, khảo sát, thu thập thông tin sau này. Hệ thống cũng sẽ phải hỗ trợ việc nhập liệu từ những nguồn dữ liệu khác nhau đang tồn tại (nhập dữ liệu).
+ Xuất dữ liệu: Hệ thống CSDL cho phép trích xuất dữ liệu đầu ra ở dạng số hóa bao gồm biểu, bảng, đồ thị, hình ảnh và dạng dịch vụ Web (tới các hệ thống CSDL bên ngoài).
Hệ thống CSDL có tính mềm dẻo và khả năng mở rộng: cấu trúc của bộ cơ sở dữ liệu có sự linh hoạt và khả năng mở rộng để có thể đáp ứng bất kỳ thay đổi, bổ sung nào trong tương lai của các thành phần dữ liệu.
• Phương thức xây dựng cơ sở dữ liệu 
Để xây dựng hệ thống CSDL như trên, trước hết, trên cơ sở tổng quan khoa học và suy luận, nghiên cứu, đề xuất cấu trúc của bộ dữ liệu về hiện trạng công nghệ, thiết bị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành giấy và bột giấy Việt Nam. Đề xuất này sau đó sẽ được tham vấn ý kiến các chuyên gia ngành giấy, chuyên gia thống kê, phân tích dữ liệu cũng như đại diện các doanh nghiệp ngành và bột giấy Việt Nam để hiệu chỉnh, hoàn thiện và thống nhất một cấu trúc chuẩn của bộ CSDL. Trên cơ sở cấu trúc chuẩn của của bộ dữ liệu này, tiến hành điều tra, thu thập và xác minh dữ liệu theo cấu trúc trên từ hơn 300 doanh nghiệp, tổ chức ngành giấy và bột giấy hiện tại của Việt Nam.
Tiếp theo, nghiên cứu, xây dựng, cài đặt và chạy thử hệ thống CSDL điện tử ngành giấy Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, cần tham vấn ý kiến các chuyên gia công nghệ thông tin cũng như những ý kiến góp ý, phản hồi của các doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy trong quá trình chạy thử nhằm hoàn thiện, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tiện ích, trực quan và dễ dàng sử dụng với nhiều đối tượng người dùng. Dưới đây là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giấy được thống kê, số hóa nhắm cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (Hình 1 – 4). 
Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành công nghiệp giấy sẽ được quản lý và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia và các cơ sở liên quan tới ngành công nghiệp khác cũng như các hoạt động kinh tế khác của đất nước (Hình 5). Hoạt động cung cấp và phân phối cơ sở dữ liệu số có thể thông qua hệ thống internet, được quảng bá, phân phối, hướng dẫn và tư vấn sử dụng tại các website chính thức của cơ quan quản lý  như Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam) (Hình 6).
3. THÀNH PHẦN THAM GIA XÂY DỰNG HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU
Xây dựng hệ thống CSDL ngành công nghiệp giấy là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành giấy. Đồng thời, cần phải có sự đóng góp tham gia của các tổ chức, đơn vị trong ngành giấy, mỗi thành phần đều có vai trò tương ứng với vị trí và khả năng của mình. Cụ thể như: Nhà nước đóng vai trò cao nhất với tầm ảnh hưởng từ các chính sách và xây dựng chiến lược, khởi xướng thực hiện và định hướng cho các thành phần khác thực hiện theo (Trong đó các cơ quan quản lý trực tiếp cấp phép và giao cho các đơn vị thực hiện, các đơn vị thực hiện có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, thu thập, phát triển cơ sở dữ liệu, các bộ ban ngành, đơn vị, tổ chức khác có liên quan sẽ phối hợp cùng thực hiện); Các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành công nghiệp giấy, chuyên gia công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống Cơ sở dữ liệu.
4. KẾT LUẬN
Cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp giấy là một nguồn tài nguyên rất quan trọng và hữu ích đối với sự phát triển ngành giấy và các cơ quan quản lý liên quan. Đề xuất xây dựng hệ thống cơ
sở dữ liệu ngành giấy mang tính cấp thiết, nhằm làm nguồn tài nguyên cho ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam. 
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sẽ xúc tiến hoạt động kinh doanh tiến hành trên phạm vi cả nước và nước ngoài, sản phẩm của doanh nghiệp có thể dễ dàng được khách hàng biết đến thông
qua internet, khách hàng trong và ngoài nước có thể tìm hiểu về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp bất cứ khi nào họ muốn.
Cơ sở dữ liệu giúp tổ chức chủ trì quản lý chặt chẽ, kiểm soát thông tin theo định hướng của tổ chức; là nguồn lực mang tính quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; là giải pháp phù
hợp với định hướng phát triển thương mại điện tử chung của Chính phủ và xu hướng phát triển thương mại điện tử toàn cầu. Việc thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp giấy đang thực hiện từng bước và sẽ trở thành nguồn tài nguyên nhằm nâng cao sự phát triển của ngành công nghiệp giấy Việt Nam./.
Lời cảm ơn
Nghiên cứu này được hỗ trợ kinh phí từ Đề tài KHCN mã số 004.19.UDKHCN/ HĐ-KHCN.
Tài liệu tham khảo 
1. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Báo cáo thống kê ngành công nghiệp giấy Việt
Nam đến năm 2020, 2020.
2. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Báo cáo ngành công nghiệp giấy Việt Nam tại Hội nghị ngành công nghiệp giấy Đông Nam Á lần thứ 34, tháng 11/2019.
3. Diogo R. Ferreira, J. J. Pinto Ferreira, 2004, Building an E-Marketplace on a Peer-toPeer Infrastructure, International Journal of Computer Integrated Manufacturing (IJCIM), Volume 17, Issue 3, April 2004, pages 254-264.
4. Báo cáo năm 2019 của RISI, Hawkins Wright, Poyry về Tổng sản lượng bột giấy thế giới năm 2018.
Hoàng Tiến Dũng, Đào Ngọc Truyền, Lê Huy Dư - Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Công nghiệp giấy số Tháng 6-7/2021)

lên đầu trang