Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 23:40

Thứ ba, 07/05/2024 | 23:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:35 ngày 29/09/2021

Nghị định 85 bổ sung hoạt động thương mại điện tử của thương nhân nước ngoài

Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung quản lý hoạt động thương mại điện tử của của thương nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Cũng tại Nghị định này, Chính phủ đã ban hành nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định trên thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
“Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”- Nghị định 85 nêu rõ.
Theo Nghị định 85, thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam phải tuân theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.
Ảnh minh hoạ
Cũng theo Nghị định 85, các thương nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương.
Về các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử, Nghị đinh 85 nêu rõ gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định như trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó được Nghị định 85 xem là một hình thức của sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đáng chú ý, theo Nghị định 85, hoạt động thương mại điện tử trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, xổ số; mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phát thanh, truyền hình đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng đối với hoạt động thương mại điện tử. Kiến nghị Bộ Công an xử lý theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm về an ninh mạng trong thương mại điện tử. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử;
Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn.
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang