Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 13:59

Chủ nhật, 05/05/2024 | 13:59

Chính sách

Cập nhật lúc 16:31 ngày 30/09/2021

Lực đẩy từ chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 25 tháng 9 vừa qua,  Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên tổ chức Hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”. Tại Hội thảo vấn đề đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đặc biệt được các đại biểu quan tâm và đưa ra các đóng góp, kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. 
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp – Nguồn lực chưa khai thác hết
Doanh nghiệp được coi là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ. Một số chính sách ưu đãi mới thể hiện qua Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013, trong đó quy định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Theo đó, các dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm có thể được hỗ trợ đến 30% tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, các chương trình kinh tế - kỹ thuật trọng điểm quốc gia cũng cung cấp một số lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp hoạt động trong các ngành trọng điểm. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 cũng nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao,…Cùng với đó là sự ra đời của các Quỹ đổi mới công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…đều nhằm mục đích nâng cao tiềm lực KH&CN, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.
Mặc dù chính sách, ưu đãi khá đầy đủ nhưng hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp hiện nay còn khá khiêm tốn và còn nhiều nguồn lực chưa được khai thác phát huy.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ doanh nghiệp chi cho hoạt động đào tạo (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu khảo sát năm 2016)
Theo kết quả khảo sát của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, trong giai đoạn 2010-2015 có 48% doanh nghiệp có đầu tư mua mới máy móc, thiết bị, công nghệ. Đây là tín hiệu đáng mừng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, có tới 8% doanh nghiệp hầu như không thay đổi gì về máy móc, thiết bị kể từ năm 2000 trở lại đây (15 năm không mua bất cứ một máy móc, thiết bị mới nào, chỉ sửa chữa, bảo dưỡng). Trong số các doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị, công nghệ mới thì chỉ có 15% đầu tư công nghệ mới, còn lại mua máy móc mới, công nghệ cũ.
Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 86% doanh nghiệp có bộ phận kỹ thuật nhưng chỉ có 21% bố trí người làm R&D (nghiên cứu và phát triển). 82% doanh nghiệp không chi kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp dám mạnh tay đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ với mức lớn hơn 10% doanh thu hàng năm.
Biểu đồ Kinh phí đầu tư cho R&D của doanh nghiệp (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu khảo sát năm 2016)
Về trình độ cán bộ, nhân viên và tay nghề công nhân, có 48,5% doanh nghiệp có nhân viên đạt trình độ đại học trở lên chiếm trên 20% tổng nhân lực và 26% doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên chiếm trên 10%. Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 6% doanh nghiệp có khả năng tự đổi mới công nghệ. Điều này phần nào phản ánh tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu và năng lực tự nghiên cứu của doanh nghiệp cũng rất hạn chế.
“Đòn bẩy” chính sách
Trình bày tham luận “Hoạt động đổi mới, sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” tại hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”, TS. Trịnh Minh Tâm - Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ cho biết, để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo công nghệ, nhà nước phải hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển giao công nghệ một cách dễ dàng hơn mà lại đạt hiệu quả cao. Cải cách các chính sách về việc nhập khẩu thiết bị máy móc từ nước ngoài nhập về. Bên cạnh đó cũng phải kiểm tra sát hạch kỹ lưỡng để tránh tình trạng nhập thiết bị máy móc cũ, lạc hậu từ nước ngoài về làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường.
TS. Trịnh Minh Tâm cho rằng, cần tạo cơ chế gắn kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và triển khai và có chính sách khuyến khích hình thành các tổ chức cung cấp và thông tin công nghệ để giúp các doanh nghiệp có cơ hội cập nhật thông tin công nghệ, lựa chọn và xác lập phương án đổi mới công nghệ và xây dựng cơ chế cung cấp thông tin bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần sở hữu khác nhau.
Hội thảo quốc gia “Giải pháp khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” do Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên phối hợp tổ chức ngày 25/9/2021
Nhà nước cần nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đổi mới công nghệ cũng như liên tục xây dựng hệ thống thông tin về thị trường công nghệ trong và ngoài nước. Nhà nước cần sớm cho ra đời quỹ “Đầu tư mạo hiểm” để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, nhưng có độ rủi ro cao. Ngoài ra, nhà nước nên khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mới và nâng cấp các sản phẩm hiện có thông qua thành lập quỹ hỗ trợ phát triển sản phẩm.
“Doanh nghiệp buộc phải tìm ra những công nghệ mới đảm bảo sản xuất ra được những loại sản phẩm mới, có chất lượng cao hơn và chi phí sản xuất được hạ thấp xuống. Nhà nước cần gắn chặt hoạt động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp với các quy hoạch và phát triển chính sách kinh tế - xã hội của đất nước. Các chính sách đó có thể là giảm thuế suất hoặc giảm thuế trong một số năm nào đó, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, cung cấp thông tin…” - TS. Tâm đề xuất.
Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO, 2020), chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia. So với năm 2019, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc; chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc.
Sau 5 năm, Việt Nam từ vị trí 59 (năm 2016) trong bảng xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đã tăng 17 bậc, xếp vị trí 42 (năm 2020). Với vị trí này, Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập, và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Hà Nguyễn
lên đầu trang