Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 01/11/2024 | 10:33

Thứ sáu, 01/11/2024 | 10:33

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:32 ngày 30/09/2021

Chuyển đổi số giúp Doanh nghiệp tăng cơ hội xuất khẩu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp “cứu nguy” về đầu ra các mặt hàng nông sản và cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn do vẫn còn những hạn chế.
Đó là ý kiến nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 29/9.
Thương mại điện tử xuyên biên giới tăng 25,7%
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 tăng 25,7% so với năm 2020. Các giao dịch mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu truyền thống dần thay thế bằng website, sàn thương mại điện tử…Các hợp đồng dùng chữ ký điện tử cũng tăng 17% so với khi chưa có dịch Covid-19. Việc chuyển đổi số kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp duy trì các hoạt động mà không bị gián đoạn bởi dịch.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng- Phó chủ tịch VECOM cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến giao thương xuất khẩu chịu tác động nặng nề, đầu ra cho nông sản qua kênh thương mại điện tử là một trong những giải pháp cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, xu hướng tỉ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu từ năm 2014-2020 đã tăng từ 17% lên đến 41%. Giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu năm 2021 đến nay ước tính đạt 1.250 tỷ USD. Hành vi mua sắm có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ ngoại tuyến sang trực tuyến tại nhiều thị trường trên thế giới, nổi bật nhất là Mỹ, Anh, Đức. “Các sàn thương mại điện tử Việt Nam đang dần phát triển, có nhiều sản phẩm giá trị cao được chào bán như xe hơi, thiết bị điện tử, công nghệ... Điều đó chứng tỏ thương mại điện tử đang từng bước xây dựng lòng tin để người dân mua sắm trực tuyến”- ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá.
Cũng theo VECOM, sàn thương mại điện tử trong những năm gần đây đã tỏ rõ là kênh đầu ra cho nông sản hiệu quả như đã đưa sản phẩm dừa ở Bến Tre, sen Đồng Tháp lên online và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên một số sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa- Trọng tài viên VIAC, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số và hỗ trợ xuất khẩu nói chung, nông sản nói riêng. Hiện nay Việt Nam cần phải sớm xây dựng hệ thống công cụ và cơ chế truy vết sản xuất hàng hóa, sản phẩm. Cùng với đó, hàng hóa phải có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh, tôn trọng luật pháp quốc tế. “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng trong từng doanh nghiệp. Cần phải có lãnh đạo đi tiên phong, liên kết được nhiều chuyên gia, phát triển các phương thức sản xuất mới, tích hợp các giải pháp công nghệ và có hệ thống quản lý dữ liệu. Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển nền kinh tế số và xã hội số. Trong chiến lược, có kế hoạch phát triển đội ngũ tư vấn chuyển đổi số, tham mưu cho tất cả các ngành, nghề"- ông Nguyễn Tuấn Hoa thông tin.
Thận trọng khi giao dịch thương mại điện tử
Liên quan đến giao dịch thương mại điện tử, ông Nguyễn Trung Nam - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh tú (EP Legal), Trọng tài viên VIAC cho biết có nhiều bất cập tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động thương mại với yếu tố số hóa. Cụ thể, đó là rủi ro về xác định danh tính. Việc xác minh danh tính của đối tác không dễ dàng và có thể dẫn đến những hành vi phạm pháp như rửa tiền, làm giả giấy tờ. "Ngoài ra, thu thập chứng cứ khi có tranh chấp cũng khó khăn. Dữ liệu có thể khó truy cập hoặc không thể truy cập. Ngoài ra, có thể bị xóa, ghi đè, mã hóa hoặc bị ẩn", ông Nguyễn Trung Nam cho biết.
Ông Nguyễn Trung Nam lưu ý, giao dịch thương mại điện tử cần lưu ý xác thực danh tính điện tử và tìm hiểu thông tin về sàn thương mại sẽ xuất khẩu hàng hóa sang. Bên cạnh đó, cần lưu ý về các thủ tục hải quan và thuế. Ngoài ra, cần lưu ý các quy định riêng của mỗi sàn thương mại điện tử. "Người bán và người mua gần như không quen biết, chưa kể những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen thanh toán, luật quốc tế... Chính vì vậy vai trò trung gian của sàn thương mại điện tử rất quan trọng", ông Nguyễn Trung Nam cho biết.
Nhấn mạnh vào nội dung để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh các chiến lược, doanh nghiệp cũng phải chú ý đến các rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan đến pháp lý có thể phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.
Để hạn chế những rủi ro này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài cần phải tìm hiểu thông tin về thương mại điện tử trong hiệp định thương mại tự do, danh tính điện tử của các giao dịch, tiêu chuẩn của người mua hàng cũng như quy định về thủ tục hải quan và thuế tại Việt Nam.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang