Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được thực hiện kịp thời, đúng quy định, một trong những điểm nổi bật trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng năm 2021 của tỉnh Kon Tum đó là việc tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn.
Hàng nghìn ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Báo cáo về tình hình xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, thông tin từ Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã duy trì, phát triển 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.109 ha, trong đó, huyện Kon Plông 170 ha, vùng sản xuất cà phê huyện Đăk Hà 1.939 ha.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
Bên cạnh đó, đã hình thành 07 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất. Ví dụ, 01 cánh đồng lớn 30 ha trồng mía ứng dụng công nghệ cao, liên kết với Công ty Cổ phần đường Kon Tum tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; 01 cánh đồng 30 ha trồng ngô sinh khối chăn nuôi dê sữa, liên kết với Công ty Cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông; 01 cánh đồng 20 ha trồng lúa nước tại xã Hiếu, huyện Kon Plông; 01 cánh đồng 32 ha sản xuất lúa thơm, liên kết tổ hợp tác tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà…
Ngoài ra, một số dự án nông nghiệp công nghệ cao của các tổ chức, cá nhân đang triển khai đầu tư rau, hoa xứ lạnh theo quy hoạch và đã thực hiện. Tỉnh đã công nhận 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Công ty TNHH Việt Khang Nông, huyện Kon Plông diện tích 10 ha (sản phẩm ớt chuông, cà chua, rau rừng, sâm dây, sâm đương quy) và Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát, huyện Đăk Hà diện tích 220 ha (sản phẩm sầu riêng, mít Thái).
Tỉnh cũng công nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Đăk Hà” tại 11 xã, thị trấn thuộc huyện Đăk Hà với tổng diện tích trên 9.000 ha và chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ thuộc 3 xã của huyện Đăk Glei và 6 xã của huyện Tu Mơ Rông; nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Đặc biệt, duy trì 42 chuỗi giá trị gồm: 30 chuỗi liên kết chăn nuôi, 01 chuỗi liên kết giá trị nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện tại xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, 11 chuỗi cung ứng nông sản an toàn áp dụng chương trình quản lý tiên tiến trên địa bàn các huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon TSản phẩm an toàn được tiêu thụ tại các cửa hàng, bếp ăn tập thể, siêu thị.
Đáng chú ý, xây dựng 17 đơn vị sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến với diện tích 436,4 ha; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và đánh giá, phân hạng 88 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao, trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đạt tiêu chuẩn về ATTP, chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thống nhất chủ trương triển khai xây dựng vùng nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao huyện Ia H’Drai. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ để lựa chọn ra những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện địa bàn để chuyển giao cho người nông dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm
Về công tác thanh tra, kiểm tra, trong 9 tháng đầu năm 2021, Sở Y tế tỉnh đã thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP và 04 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Tổng số cơ sở được kiểm tra là 347, số cơ sở đạt tiêu chuẩn về ATTP là 336 (chiếm tỷ lệ 96,83%); xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 07 cuộc thanh kiểm tra tại 183 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở.
Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra 04 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và không phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra, xử phạt phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở. Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 19 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở; kiểm tra phối hợp 523 cơ sở, không phát hiện sai phạm.
Ngoài ra, đã thành lập 22 Đoàn kiểm tra ATTP cấp huyện, thành phố; 136 Đoàn kiểm tra ATTP xã, phường, thị trấn. Kết quả, kiểm tra 2.660 cơ sở, số cơ sở được kiểm tra đạt tiêu chuẩn ATTP là 2.215 (chiếm tỷ lệ 83,27%), xử phạt vi phạm hành chính 26 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 63 cơ sở với 64 loại sản phẩm.
Nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2021 của tỉnh Kon Tum về công tác ATTP, đó là sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP kết hợp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các thôn, làng nhằm nâng cao nhận thức về ATTP cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm và các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm, trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy cơ ATTP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần có biện pháp xử lý thích đáng, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động. Mặt khác, duy trì mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thường xuyên giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Theo Báo Công Thương