Theo đó, từ ngày 18-19/1 Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì đã làm việc với Thái Nguyên về tình hình quản lý ATTP trước dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 gồm các bộ: Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Thái Nguyên và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Ông Nguyễn Việt Tấn- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 cho biết: Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch 1540/KH-BCĐTƯATTP ngày 13/12//2023 (Kế hoạch 1540) về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Nội dung tập trung vào: Công tác chỉ đạo, xây dựng ban hành kế hoạch và triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; hoạt động của các mô hình điểm an toàn thực phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn theo điều kiện đặc thù của địa phương; việc lập kế hoạch và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm của địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024.
Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại Siêu thị Minh Cầu-TP Thái Nguyên
Xử phạt trên 1,1 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm
Báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, ông Đặng Ngọc Huy - Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 13.338 cơ sở thực phẩm, trong đó có 2864 cơ sở sản xuất, 5.540 cơ sở kinh doanh, 3.405 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 1.529 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và khác.
Ông Đặng Ngọc Huy cho hay, các cơ sở chủ yếu là các loại hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình với các nhóm sản phẩm như: Rau, lúa, chè, na ..; các sản phẩm chăn nuôi gà, lợn và chế biến từ thịt như giò, chả, xúc xích….
Theo đánh giá chung, các cơ sở chế biến thủ công, truyền thống; một số cơ sở đã áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị tiên tiến nhưng quy mô chưa nhiều; chất lượng sản phẩm hàng hoá, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra, giám sát đã được tăng cường song nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên thông tin đến Đoàn kiểm tra
Trong năm 2023, Thái Nguyên đã thành lập 472 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP từ tuyến tỉnh xuống xã với 5380 lượt cơ sở, 522 cơ sở có vi phạm, tổng số tiền phạt là 1.167.949.000 đồng, tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm ATTP, ước tính giá trị hàng hóa tiêu hủy 607.091.000 đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, không lưu trữ đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm; người tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ đeo và khẩu trang trong khi chế biến thức ăn; cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; việc thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h chưa đầy đủ, chưa lập sổ ghi kiểm thực 3 bước theo quy định của Bộ Y tế. Sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng…
Công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện sớm Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm đồng thời các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tổ chức 335 buổi nói chuyện chuyên đề với 14.800 người tham dự. Ngoài ra, Ban chỉ đạo đã tổ chức tập huấn cho 1.098 người, sân khấu hóa công tác tuyên truyền kết hợp với các cơ quan truyền thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Xây dựng các mô hình điểm an toàn thực phẩm, chuỗi an toàn tại địa phương
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, xây dựng quy hoạch và hỗ trợ các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn Viet GAP, ISO-17025, OCOP và các mô hình sản xuất an toàn trong sản xuất;
Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt được 948 ha với sản lượng 13.095 tấn/năm cho 101 cơ sở; hướng dẫn, quản lý mã vùng trồng cho 51 cơ sở sản xuất với diện tích 338,62 ha. Lũy kế đến năm 2023, đã chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương còn hiệu lực cho 4.709,14 ha rau, quả, chè, lúa với sản lượng 184.431,27 tấn/năm, 6.417 cơ sở tham gia; 60 ha chè được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng 778 tấn/năm; 148 trang trại chăn nuôi lợn, gà với sản lượng 77.438,9 tấn thịt và 3.015.914 quả trứng gà/năm.
Thái Nguyên đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 50 chuỗi chè
Tính đến tháng 12/2023, Thái Nguyên đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 62 cơ sở với 63 chuỗi gồm: 50 chuỗi chè; 6 chuỗi rau; 3 chuỗi thịt lợn; 3 chuỗi thịt gà và 1 chuỗi giò chả.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tăng cường hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP, sản phẩm thực phẩm an toàn của tỉnh Thái Nguyên lên các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử Sở nhằm nâng cao giá trị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản Thái Nguyên nói chung cũng như phối hợp với các địa phương trong tỉnh để thực hiện các hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm như: Na, Gà đồi Phú Bình cùng các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Thái Nguyên, khó khăn hiện nay đó là hạn chế về nhận thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ cá thể; hạn chế về nguồn nhân lực quản lý , thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm, phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh cũng như hạn chế trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm kém chất lượng, chưa rõ nguồn gốc.
Trước khó khăn trên, Thái Nguyên đã kiến nghị các Bộ, ngành chủ quản tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý về ATTP; các lớp nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP cho cán bộ địa phương cũng như cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách hướng dẫn, quy định điều kiện bảo đảm ATTP …
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán 2024
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1540, tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Y tế là cơ quan thường trực ban chỉ đạo ATTP tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện và giao cho 3 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Kế hoạch triển khai, thành lập 03 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh kiểm tra các nội dung thuộc lĩnh vực phạm vi quản lý của ngành theo phụ lục quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của chính phủ...
Sau khi đi kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại một số cơ sở kinh doanh về thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nghe báo cáo và ý kiến các thành viên của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)- Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 đã thông báo kết luận về công tác kiểm tra tại 2 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng thông báo kết quả kiểm tra tại 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh
Cụ thể, tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, cơ sở đã xuất trình giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh, Giấy Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe người lao động và chủ cơ sở (38 người), có xác nhận kiến thức an toàn toàn thực phẩm của 15 lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực kinh doanh không phát hiện lỗi vi phạm mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đoàn đã tiến hành lấy 01 mẫu chè của Hợp tác xã Hảo Đạt trước sự chứng kiến của chủ cơ sở sản xuất và Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Thái Nguyên.
Tại Siêu thị Minh Cầu thuộc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu, kiểm tra về thực tế hồ sơ, giấy tờ liên quan, doanh nghiệp đã cung cấp được đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hợp đồng khám sức khỏe với cơ sở y tế.
Đoàn kiểm tra cũng lựa chọn ngẫu nhiên, xác suất 10 sản phẩm; tại thời điểm kiểm tra một số sản phẩm đơn vị chưa xuất trình được hồ sơ đi kèm gồm (Rượu ngô men lá do Công ty CP Rượu bia Bình Minh Lạng Sơn sản xuất, Rượu đặc sản Mẫu Sơn men lá do Cty CP Rượu bia Bình Minh Lạng Sơn sản xuất, kẹo Mini Burger do Công ty CP Sản xuất thương mại và Dịch vụ Phúc Thịnh nhập khẩu, Bánh Glick Daniel Đức do Cty TNHH TM và Đầu tư Thành An nhập khẩu và phân phối, Nước ép có ga nho trắng hương đào nhập khẩu Tây Ban Nha, Đường tinh luyện Assugrin Das Orugun.
Đoàn kiểm tra đã đề nghị đơn vị khẩn trương khắc phục các thiếu sót đã được Đoàn kết luận và báo cáo Sở Công Thương và Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Thái Nguyên ngay sau khi hoàn thiện các tồn tại.
Ông Phan Nguyên Hải- Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (Bộ Y tế) - Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 lấy mẫu Chè đinh tại HTX Hảo Đạt để kiểm nghiệm (Ảnh: Thu Hường)
Ông Chu Quốc Khánh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên- Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh cho biết: Đã bám sát các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh, thông qua công tác kiểm tra đã phát hiện 187 vụ việc vi phạm về ATTP trong đó chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến thịt lợn, gia cầm...Đồng thời triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa tin về các vụ việc điển hình trên các cơ quan truyền thông và website của đơn vị.
Ông Chu Quốc Khánh báo cáo với Đoàn kiểm tra
Ông Phan Bá Trường- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua ngành Công Thương đã tiến hành công tác tuyên truyền công tác ATTP đến rộng rãi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng...
"Thái Nguyên hiện có 139 chợ, tỷ trọng phân phối hàng tiêu dùng qua chợ chiếm khoảng 55%. Hiện công tác quản lý về ATTP tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các chợ truyền thống, thời gian qua Sở đã tiến hành thí điểm các mô hình Chợ an toàn thực phẩm ở một số địa phương như Thành phố Phổ Yên và Sông Công, qua đó triển khai nhân rộng mô hình chợ ATTP"- ông Trường chia sẻ và đề xuất cần sớm có quy định thống nhất về quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là vấn đề địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Bà Nguyễn Thị Nga- Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Thành viên Đoàn kiểm tra trao đổi thông tin làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý ATTP tại địa phương
Tại buổi làm việc,thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi, thông tin lại các vấn đề được Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh kiến nghị cũng như các vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Đoài- Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) - Thành viên đoàn kiểm tra trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh nêu
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Tấn đã đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh: Thái Nguyên đã thực hiện đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo trung ương và Chỉ thị số 17/ CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Đặc biệt, các Sở, ngành đã ban hành các kế hoạch hành động trong công tác chỉ đạo ATTP. Đồng thời Đoàn kiểm tra đã ghi nhận công tác hậu kiểm ở 3 ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; ... qua đó tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục kịp thời những hạn chế, nâng cao công tác quản lý và ATTP.
Ông Nguyễn Việt Tấn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Thái Nguyên ( Ảnh:Thu Hường)
Tuy nhiên để làm tốt hơn nữa, Đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh tiếp tục công tác tuyên truyền ATTP trước, trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024. Giao các ngành giám sát các các tồn tại được Đoàn kiểm tra chỉ ra trong quá trình kiểm tra tại cơ sở kinh doanh; đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đến các đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới cũng như các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP.
Ông Đặng Ngọc Huy đã thay mặt Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý, chỉ đạo của Đoàn kiểm tra và khẳng định: "Sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông và đẩy mạnh công tác hậu kiểm, qua đó hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh làm tốt hơn nữa và tuân thủ đúng, đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.".
Chia sẻ bền lề buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Tấn cho biết: "Hoạt động trên nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Bên cạnh đó, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân”.
Theo đó, có 5 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, do Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, thực hiện kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố. Cùng với Thái Nguyên, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tại: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Kạn, Bình Dương, Kon Tum và Gia Lai. |
Nguồn: Báo Công Thương