Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:07

Thứ sáu, 26/04/2024 | 03:07

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:58 ngày 09/11/2021

Đẩy mạnh phát triển chợ truyền thống

Chiếm phần lớn lượng hàng hoá lưu thông trên cả nước, Bộ Công Thương đang định hướng đẩy mạnh phát triển hệ thống chợ nhằm đảm bảo lưu thông hàng hoá, đồng thời lưu giữ các nét văn hoá truyền thống địa phương.
Hơn 8.500 chợ hoạt động
Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 8.581 chợ, đa phần các chợ thiên về chức năng bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa không nhiều. Mạng lưới chợ tiếp tục duy trì và cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng 40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22%-25%).

Cả nước có 8.581 chợ đang hoạt động
Mạng lưới chợ vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng từ 50%-70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước. Tùy vào điều kiện phát triển của từng địa phương con số này có sự thay đổi.
Tại đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, một số địa phương phía Nam như TP. Hồ Chí Minh đã phải tạm thời đóng cửa một số chợ, đặc biệt là chợ đầu mối, ảnh hưởng tới việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, tạo áp lực phân phối hàng thiết yếu tới các kênh bán lẻ khác như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc địa phương phải mở các điểm bán lưu động để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Từ thực tiễn hiện nay cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của chợ trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương. Để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, một số địa phương (như TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành đóng cửa chợ (chợ đầu mối, chợ truyền thống), việc đóng cửa nhiều chợ cũng đã ảnh hưởng tới việc cung ứng hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là nông sản, thực phẩm), gây áp lực lên các kênh phân phối khác.
Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn với dịch bệnh", để bảo đảm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân, các địa phương cần căn cứ hướng dẫn của các Bộ/ngành đặc biệt là các hướng dẫn về phòng chống dịch tại chợ của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hướng dẫn triển khai việc mở lại các chợ theo nguyên tắc vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.
Hiện nay, khi việc mở cửa đã được thực hiện trở lại, các chợ cần thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ. Còn về lâu dài, trong quá trình đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ trên địa bàn, các địa phương cần lưu ý: Bố trí chợ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển; triển khai xây dựng chợ theo các tiêu chuẩn thiết kế chợ (Tiêu chuẩn 9211:2012- tiêu chuẩn thiết kế chợ và Tiêu chuẩn 11856:2017- chợ kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn quốc gia), các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, các quy định liên quan về không gian, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông…
Đẩy mạnh phát triển chợ
Để tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển chợ, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, ngày 8/72020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và ngày 14/92020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Các văn bản nêu trên quy định "chợ dân sinh, chợ đầu mối" thuộc đối tượng được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, UBND các tỉnh cần nghiên cứu, triển khai, đặc biệt cần quan tâm tới mạng lưới chợ trên địa bàn để cân đối ngân sách đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo chợ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động, tận dụng mọi nguồn lực cho công tác đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo chợ thông qua các Chương trình, chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chương trình y tế dân số (với việc xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 63 tỉnh thành phố và được các địa phương chủ động nhân rộng). Sau khi các Chương trình được phê duyệt, đề nghị các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đặt ra, qua đó góp phần nâng cấp, cải tạo chợ.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương căn cứ vào cơ chế, chính sách chung của Trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mình để cụ thể hóa thành chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển chợ trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển và quản lý chợ, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, xây dựng Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (thay thế cho Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ). Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật cho công tác phát triển chợ.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang