Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 11/10/2024 | 21:13

Thứ sáu, 11/10/2024 | 21:13

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:17 ngày 10/07/2013

Cơ hội cho nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất trong nước còn rất lớn

Sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 21/CT-BCT của Bộ Công Thương về công tác tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu các dự án có vốn Nhà nước bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát nhập khẩu và giảm nhập siêu, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang.

 

 

PV: Thưa Thứ trưởng, sau một năm thực hiện Chỉ thị 21/2010/CT-BCT của Bộ Công Thương về tăng cường sử dụng vật tư thiết bị máy móc sản xuất được trong nước trong các công trình đấu thầu, xin Thứ trưởng cho biết việc thực hiện Chỉ thị 21 của các tập đoàn, tổng công ty như thế nào?


Thứ trưởng Lê Dương Quang: Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 21/2010/CT-BCT, thành công lớn nhất là đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức ở các doanh nghiệp về việc cần phải tăng cường mua sắm, sử dụng sản phẩm trong nước nói chung, trong đó có thiết bị, máy móc, vật tư. Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 21 ở các tập đoàn, tổng công ty và đã tổ chức hội nghị sơ kết, qua đó cho thấy các doanh nghiệp đều ủng hộ và có ý thức chấp hành Chỉ thị. Các tập đoàn lớn như Dầu khí, Than-Khoáng sản, Điện lực... đều có văn bản hướng dẫn và kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 21. Theo thông tin thu nhận được từ nhiều doanh nghiệp chế tạo và cung cấp thiết bị, vật tư thì Chỉ thị 21 tuy mới thực hiện được 1 năm nhưng bước đầu đã có kết quả cụ thể, thông qua việc tăng sản lượng bán hàng cho thị trường trong nước (mặc dù năm 2011 kinh tế hết sức khó khăn do lạm phát). Kết quả bước đầu này là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 21 trong thời gian tới. 

 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng vật tư thiết bị máy móc sản xuất được trong nước còn nhiều hạn chế do vốn, Luật và chất lượng sản phẩm, Thứ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Tôi không hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư sản xuất trong nước bị hạn chế do các vấn đề liên quan đến vốn, Luật pháp hay chất lượng sản phẩm. Về vốn, ngay cả các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài và áp dụng hình thức đấu thầu EPC mà nhà thầu nước ngoài trúng thầu thì vẫn có thể sử dụng một phần thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất trong nước bởi vì trong hồ sơ mời thầu - về nguyên tắc - bao giờ cũng có yêu cầu nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước. Mặt khác, các chủ đầu tư và nhà thầu đều hiểu rõ rằng việc mua sắm thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất trong nước sẽ giúp giảm chi phí đầu tư. Nếu sản phẩm trong nước sản xuất không vào được các công trình thì phần lớn do năng lực quản lý của chủ đầu tư (trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng và giám sát thực hiện). Về góc độ luật pháp, mặc dù cón có một số bất cập, song về cơ bản luật pháp của ta khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sử dụng hàng hoá trong nước sản xuất được. Còn về chất lượng thì đúng là còn có những sản phẩm SX trong nước chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, song những thiết bị, máy móc, vật tư được Bộ Công Thương đưa vào danh mục trong nước đã sản xuất được để định hướng cho việc mua sắm thì đều đảm bảo về mặt chất lượng. Việc thiết bị, máy móc, vật tư trong nước sản xuất được còn gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường chủ yếu do 2 nguyên nhân: ý thức của người sử dụng (trong trường hợp này là các chủ đầu tư) và sự thiếu hụt thông tin.     

 

PV: Ngay ngành Cơ khí, 85% giá trị nhập khẩu cơ khí rơi vào nhóm sản phẩm có thể sản xuất trong nước. Vì vậy các nhà thầu nội đã thua ngay trên sân nhà. Ông có ý kiến gì về việc này?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Hiện nay, giá trị thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất chiếm khoảng 83% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của chúng ta. Nói riêng về ngành cơ khí thì cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32-33% nhu cầu. Như vậy có thể thấy cơ hội (hay thị trường) cho nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất trong nước còn rất lớn. Để sản phẩm sản xuất trong nước không bị thua trên sân nhà thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực và đồng tâm rất lớn của tất cả các bên liên quan, cụ thể là: nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, người sử dụng phải thực sự ủng hộ nhà sản xuất bằng ý thức và hành động của mình, còn Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hiệu quả để bảo vệ và mở rộng thị trường cho sản phẩm trong nước.

 

PV: Để đáp ứng nhu cầu về chất lượng, đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty phải tăng cường nghiên cứu KHCN. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần có những giải pháp nào từ phía các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mà đối với chất lượng thì KHCN có vai trò then chốt. Đối với doanh nghiệp, cần phải đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng KHCN, bao gồm cả tự đầu tư và hợp tác với các cơ sở KHCN, trước hết tập trung vào những khâu then chốt, quyết định chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành. Về phía Nhà nước thì cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay để đầu tư nâng cấp công nghệ, thay đổi công nghệ, hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, thiết kế… tăng cường đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu KHCN, phòng thí nghiệm...

PV: Vậy trong những năm tới, ngành Công Thương có những biện pháp gì để đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị 21, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Để đẩy mạnh việc triển khai Chỉ thị 21, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những việc sau:

- Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khi lập kế hoạch mua sắm hàng năm (không phải chỉ riêng các dự án đầu tư mà cả mua sắm thường xuyên) phải xác định rõ cái gì mua trong nước và Bộ sẽ giám sát việc thực hiện. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 21 phải được xem là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động hàng năm của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, giúp nhà sản xuất và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm có thông tin cập nhật thường xuyên về các chủng loại thiết bị, máy móc, vật tư trong nước sản xuất được. Thường xuyên cập nhật, bổ sung danh mục các loại sản phẩm này.

- Kiểm tra, giám sát việc đầu tư các dự án mới của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành, đảm bảo việc đấu thầu mua sắm thiết bị, máy móc, vật tư phải tuân thủ Chỉ thị 21.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích việc sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất được nói chung, đối với mọi doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, nguồn vốn đầu tư...

 - Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, đảm bảo cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều loại sản phẩm có chất lượng để thay thế nhập khẩu.      

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

 

Thúy Hà (thực hiện).

lên đầu trang