Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 08:37

Thứ ba, 07/05/2024 | 08:37

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 10:08 ngày 19/11/2021

Đo lường - công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Trong bối cảnh mới hiện nay, hoạt động đo lường Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội
Những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về đo lường đã được sửa đổi nhiều lần và đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp lý về đo lường tương đối hoàn thiện, bao gồm: Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, chúng ta cũng đã xây dựng được hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội.
Cho đến nay, đã có 179 văn bản đo lường Việt Nam được ban hành, hầu hết các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định đều đã có quy trình kiểm định tương ứng và dần phù hợp với các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là thành tựu của việc nghiên cứu, ứng dụng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo lường ở nước ta.
Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước về đo lường đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.

Hệ thống cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm trong hoạt động đo lường đã được xây dựng, củng cố trong suốt nhiều năm qua
Ngoài ra, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành được ban hành thay thế cho các quy định trước đây không còn phù hợp; hệ thống tổ chức ngày càng hoàn thiện; nhiều nhiệm vụ được triển khai đồng bộ, đạt kết quả to lớn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Tạo hành lang pháp lý quan trọng
Hệ thống cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm trong hoạt động đo lường đã được xây dựng, củng cố trong suốt nhiều năm qua. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về đo lường (trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn, phép đo…).
Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, chính xác của đơn vị đo lường pháp định để sử dụng rộng rãi góp phần đảm công bằng xã hội trong thương mại, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh mới hiện nay, hoạt động đo lường Việt Nam cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang