Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 11:52

Thứ hai, 06/05/2024 | 11:52

Chính sách

Cập nhật lúc 07:22 ngày 13/12/2021

Xây dựng chiến lược ngành hóa chất: Thích ứng với nhu cầu thị trường

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác...
Trợ lực cho quá trình công nghiệp hóa
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tổng sản lượng công nghiệp hóa chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hóa cao. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Năm 2020, toàn ngành hóa chất có khoảng 1.818 doanh nghiệp sản xuất phân bổ trên 6 vùng trong cả nước, trong đó 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 6%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%)… với khoảng 2,7 triệu lao động, trong đó có 725.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.
Một số sản phẩm của ngành hóa chất có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao
Giá trị xuất khẩu hóa chất đều tăng qua các năm, năm 2020 bằng 186% giá trị xuất khẩu của năm 2015, dao động trong khoảng 3,8-4,2% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, tín hiệu đáng mừng trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước rất quan tâm đến đầu tư một số ngành công nghiệp hóa chất. “Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta có một cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý”- ông Thanh cho biết.
Hướng tới xuất khẩu các sản phẩm hóa chất
Trong tờ trình, Bộ Công Thương nêu rõ: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cân đối hài hòa với chiến lược của các ngành khác; phải đảm bảo tính lâu dài, vừa đảm bảo linh hoạt để có thể điều chỉnh thích ứng với những thay đổi do nhu cầu của nền kinh tế thị trường.
Theo định hướng phát triển, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ gồm 10 phân ngành: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Trong đó, tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành quan trọng như: Phân bón, hóa dầu, hóa chất cơ bản, cao su, khí công nghiệp. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô.
Đáng chú ý, chiến lược sẽ hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng lượng lớn hóa chất cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông.
Chiến lược cũng sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân vào trong lĩnh vực hóa chất, đặc biệt, đối với các dự án FDI, chỉ tiếp nhận những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang