Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 13:54

Thứ hai, 06/05/2024 | 13:54

Chính sách

Cập nhật lúc 10:03 ngày 29/12/2021

Nắm bắt cơ hội từ FTAs nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng

Trong những năm qua Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… và sắp tới đây sẽ là RCEP. Việc mở rộng thị trường đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Đây cũng là cú hích để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, đầu tư công nghệ nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng.

Trước thềm năm 2022, Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương về vấn đề này.


Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương

PV: Theo bà việc tuân theo các quy định, tiêu chuẩn của các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây tạo cơ hội để kích thích sự đổi mới của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào?

Bà Phạm Quỳnh Mai: Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA… đã tạo nhiều thuận lợi để doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội thị trường thì doanh nghiệp cũng cần đổi mới về công nghệ sản xuất, kỹ thuật canh tác nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn sản xuất bền vững khác mà các thị trường này đặt ra.  

Sắp tới đây, từ 01 tháng 01 năm 2022, Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước ACEAN và 5 quốc gia khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Niu Zi-lân, sẽ tạo nên thị trường quy mô 2,3 tỉ người tiêu dùng (30% dân số thế giới), GDP 26,2 nghìn tỉ đô-la Mỹ (gần 30% GDP toàn cầu), và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. 

RCEP được kỳ vọng giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt nam đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực. RCEP cũng tạo cơ hội để các nước ASEAN trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

RCEP sẽ tạo nên thị trường lớn với quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD.   

RCEP có hiệu lực sẽ là động lực để kích thích sự đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp, để đón nhận các cơ hội từ việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường các đối tác thành viên. Đồng thời, khi dòng vốn đầu tư được dịch chuyển vào khu vực ASEAN, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng mới. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98% doanh nghiệp của Việt Nam, do vậy tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội khi RCEP có hiệu lực. Trong thời gian qua, với việc thực thi nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp cũng đã nhận thấy nhu cầu phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tận dụng được các ưu đãi về thuế quan, cũng như cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc… người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thân thiện môi trường (xu hướng tiêu dùng xanh). Để có thể chen chân vào các thị trường “khó tính” này, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đi theo hướng đầu tư vào công nghệ sản xuất nông sản sạch hay chuyển sang cách nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu về sinh thái, hữu cơ. Trong các năm gần đây kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam gia tăng vượt trội, đó là nhờ các doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, ví dụ như ứng dụng công nghệ vào sản xuất để kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất cho đến lúc xuất khẩu. Xu thế hiện nay cho thấy chất lượng “xanh” sẽ giúp các doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh, nhất là tại các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về tiêu chí môi trường, xã hội.

Bà Phạm Quỳnh Mai (áo trắng - bên trái):  Để có thể chen chân vào các thị trường “khó tính”, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đi theo hướng đầu tư vào công nghệ sản xuất.

PV: RCEP được đánh giá là tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bà đánh giá thế nào về nhận định này? 

Bà Phạm Quỳnh Mai: Sau khi có hiệu lực, trở thành một FTA lớn nhất trong khu vực, RCEP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam ở các góc độ sau:

Trong 15 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương là thành viên RCEP, tổng GDP thực tế của những nước này chiếm gần 30% GDP thế giới. Mặc dù trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các FTA rộng khắp, nhưng RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan. Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hoà quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng các điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Zi-lân. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu không những từ các nước ASEAN, mà từ cả các nước đối tác như Úc, Niu Zi-lân, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để sản xuất hàng hóa và xuất khẩu sang bất kỳ nước nào trong khu vực RCEP với thuế suất ưu đãi.

Việc thiết lập RCEP sẽ tạo cơ hội để kích hoạt, phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư và tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đa dạng, rộng lớn từ các nước thành viên là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho chuỗi sản xuất thế giới, tiêu biểu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

RCEP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá nguồn nguyên liệu, tận dụng các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế thông qua việc tham gia các chuỗi cung ứng mới.  

PV: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để nâng cao vị thế trong các chuỗi cung ứng đã và sắp thiết lập?

Bà Phạm Quỳnh Mai: Để tận dụng được tối đa các cơ hội từ các FTA đã có hiệu lực và từ RCEP sắp tới đây, trước tiên doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về yêu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đáp ứng các quy định kiểm dịch của các thị trường lớn và khó tính. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

RCEP và các Hiệp định FTA sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Xin cảm ơn bà.

Giang Nguyễn


lên đầu trang