Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:26

Thứ bảy, 27/04/2024 | 11:26

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:35 ngày 31/12/2021

Giống thuốc lá vàng sấy GL2 được đánh giá, chọn lọc để bổ sung cho vùng sản xuất nguyên liệu Gia Lai

TÓM TẮT
Nhằm bổ sung giống thuốc lá vàng sấy cho vùng trồng phía Nam, 5 giống do Viện Thuốc lá chọn tạo đang được sử dụng tại phía Bắc đã được khảo nghiệm để đánh giá chọn lọc tại Gia Lai trong các vụ mùa 2019-2021. Kết quả khảo nghiệm đối với 3 giống thuốc lá vàng sấy triển vọng trong vụ mùa 2020 và xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu giống GL2 ở vụ mùa 2021 tại Gia Lai cho thấy: Giống GL2 có năng suất cao (3,58-3,63 tấn/ha) gần tương đương với giống K.326 - là giống có tiềm năng năng suất cao ở điều kiện mức độ bệnh hại thấp và mức thâm canh cao tại phía Nam. Nguyên liệu của giống GL2 có hàm lượng nicotin từ 1,99 đến 2,30% và hàm lượng đường khử từ 20,4 đến 23,2% ở mức khá phù hợp cho công tác phối chế; Có điểm hương thơm, khẩu vị và tổng điểm bình hút khá cao, tương đương giống đối chứng có chất lượng tốt K.326. Như vậy có thể bổ sung giống GL2 vào cơ cấu giống thuốc lá tại vùng trồng Gia Lai nhằm giảm thiểu các rủi do khi dịch bệnh khảm lá hoặc đen thân bùng phát và gây hại cho sản xuất tại vùng trồng.
Từ khóa: Thuốc lá vàng sấy, vùng trồng Gia Lai, cơ cấu giống thuốc lá
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thuốc lá vàng sấy là loại nguyên liệu chính cho sản xuất thuốc lá điếu và cũng là dạng thuốc lá chủ yếu được trồng ở nước ta hiện nay. Sản xuất nguyên liệu thuốc lá trong nước tập trung tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn của vùng trồng phía Bắc và Gia lai, Tây Ninh của vùng trồng phía Nam. Vùng trồng thuốc lá phía Bắc có bộ giống khá phong phú, đa dạng về các tính trạng nông sinh học nên người trồng có thể lựa chọn được giống phù hợp với điều kiện sản xuất. Tại Phía Nam, sản xuất nguyên liệu thuốc lá chủ yếu sử dụng giống K.326 có xuất xứ từ Mỹ. Giống K.326 có chất lượng nguyên liệu rất tốt, có thể đạt năng suất cao khi được thâm canh hợp lý. Tuy nhiên, giống K.326 có nhược điểm là khá mẫn cảm với một số bệnh hại như khảm lá do TMV, xoăn đọt (ne ngọn) do virus và héo rũ vi khuẩn nên trong các năm 2002-2003 các vùng trồng như Tây Ninh, Ninh Thuận đã chịu những thiệt hại lớn khi giống K.326 bị bệnh xoăn đọt hoặc bệnh khảm lá gây hại trên diện rộng (Nguyễn Ngọc Bích, 2004)[1]. Trong thời gian gần đây Công ty liên doanh BAT-Vinataba có đưa các giống lai PVH51 của Công ty giống Profigen và CSC07 của Công ty Souza Cruz S.A. vào trồng tại các vùng sản xuất nguyên liệu cung cấp cho liên doanh. Các giống này kháng bệnh khảm lá do TMV nhưng mức độ nhiễm bệnh đen thân còn khá cao. Hơn nữa việc sử dụng giống lai của nước ngoài làm tăng chi phí đầu tư và giảm tính chủ động của đơn vị sản xuất nguyên liệu. Thực tế này cho thấy cần có sự đánh giá đối với các giống đang được phát triển tại vùng trồng phía Bắc để chọn lọc, bổ sung giống cho vùng trồng phía Nam.
Có thể bổ sung giống GL2 vào cơ cấu giống thuốc lá tại vùng trồng Gia Lai nhằm giảm thiểu các rủi do khi dịch bệnh khảm lá hoặc đen thân bùng phát và gây hại cho sản xuất tại vùng trồng. (Ảnh: Blogspot)
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu nghiên cứu: 
Các giống TL16, GL2, GL7 do Viện Thuốc lá chọn tạo, đang được sử dụng tại các tỉnh ở vùng trồng thuốc lá phía Bắc. Giống lai GL2 kháng khá bệnh đen thân và kháng trung bình bệnh héo rũ vi khuẩn; Các giống lai GL2, GL7 kháng bệnh khảm lá do TMV; Giống thuần D65 dễ sấy vàng nên có tỷ lệ lá cấp loại tốt cao.
Đối chứng của thí nghiệm là giống thuần K.326 đang được trồng đại trà tại phía Nam với hạt giống nhập từ Braxin.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
2.2.1. Bố trí thí nghiệm đồng ruộng: 
*Đánh giá chọn lọc giống qua hình thức khảo nghiệm cơ bản ở vụ mùa 2020
Các giống  được bố trí đồng ruộng theo sơ đồ khối ngẫu nhiên đủ, lặp lại 3 lần, diện tích ô 50m2. Cây được trồng với mật độ 20.000 cây/ha và khoảng cách trồng 1,0m x  0,5m. Bón phân ở mức (122,5kg N + 90kg P2O5 + 255kg K2O)/ha với 600kg NPK (15:15:15) + 250kg KNO3 và 100kg K2SO4.
Trồng trọt, chăm sóc và hái sấy theo quy trình kỹ thuật đối với thuốc lá vàng sấy đang được Công ty cổ phần Hòa Việt áp dụng tại Gia Lai. 
Thí nghiệm trồng ngày 24/12/2019 tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa - Gia Lai.
*Xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu sử dụng giống GL2 ở các vụ mùa 2020-2021 
Giống GL2 được đánh giá có triển vọng phù hợp với vùng trồng Gia Lai đã được bố trí trồng mô hình sản xuất nguyên liệu cặp đôi với giống đối chứng K326. Bón phân ở mức (113kg N + 80kg P2O5 + 273kg K2O)/ha với 725kg NPK (12:11:18) + 200kg KNO3 và 100kg K2SO4. Mật độ trồng và kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, hái sấy theo quy trình kỹ thuật đối với thuốc lá vàng sấy đang được Công ty cổ phần Hòa Việt áp dụng tại Gia Lai. 
Thí nghiệm trồng ngày 30/12/2020 tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa - Gia Lai.
2.2.2. Các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá: 
- Đánh giá các giống thí nghiệm theo Quy chuẩn khảo nghiệm giống thuốc lá QCVN 01-85:2012/BNNPTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2012)[5].
- Phân cấp thuốc lá sau sấy theo Tiêu chuẩn ngành TCN 26-1-02 (Bộ Công nghiệp, 2002)[2].
- Phân tích một số thành phần hoá học chính ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu tại Phòng Phân tích Viện Thuốc lá như Nicotin theo TCVN 7103:2002, đường khử theo TCVN 7102:2002 (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2002a, 2002b)[3][4].
- Đánh giá chất lượng cảm quan theo tiêu chuẩn tạm thời TC 01-2000 (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, 2000)[7].
- Đánh giá sự sai khác giữa các công thức thí nghiệm về một số tính trạng nông sinh học và năng suất lá sấy thông qua so sánh các giá trị trung bình; Sử dụng phần mềm thống kê STATISTIX 2.0 (Dẫn theo Nguyễn Huy Hoàng và ctv., 2014)[6].
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Trong vụ mùa 2019, các giống thuốc lá đang được trồng tại các tỉnh phía Bắc và được nhận định có khả năng phù hợp cho các vùng trồng phía Nam gồm C9-1, TL16, D65, GL2, GL7 đã được đánh giá trong khuôn khổ thí nghiệm khảo nghiệm cơ bản tại Krông Pa - Gia Lai. Kết quả khảo nghiệm đã lựa chọn được 3 giống có triển vọng gồm TL16, GL2 và GL7 để tiếp tục đánh giá ở vụ mùa 2020. Giống GL2 thể hiện nổi trội hơn về các tiêu chí mức độ kháng bệnh, năng suất, và chất lượng nguyên liệu đã được triển khai trồng mô hình ở vụ mùa 2021. Việc đánh giá các giống trong thí nghiệm so sánh giống và trong ruộng mô hình có đối chứng là giống K.326 để tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho quyết định phát triển giống thuốc lá mới tại Gia Lai.
3.1. Mức độ sinh trưởng của các giống tại Gia Lai trong các vụ mùa 2020-2021
Nhằm đánh giá mức độ sinh trưởng của các giống ở điều kiện tự nhiên và điều kiện canh tác tại Gia Lai, một số chỉ tiêu sinh trưởng chính như chiều cao cây, kích thước lá và đường kính thân của các giống có triển vọng trong thí nghiệm so sánh giống ở vụ mùa 2020 và giống GL2 trồng mô hình trong vụ mùa 2021 đã được theo dõi và cho kết quả như ở bảng 1.
Bảng 1: Một số chỉ tiêu sinh trưởng của các giống thuốc lá trồng khảo nghiệm và giống GL2 trồng mô hình trong các vụ mùa 2020-2021 tại Gia Lai
Ghi chú: Các chỉ số được phân hạng theo tiêu chuẩn LSD, trong đó, các nghiệm thức có cùng chữ không có sự khác biệt với độ tin cậy 95%
*tTN so với t0,05 = 2,05: Nếu tTN > t0,05 bác bỏ giả thuyết H0, sai khác có ý nghĩa thống kê, ngược lại sai khác không có ý nghĩa.
Về chiều cao cây ngắt ngọn: Trong thí nghiệm so sánh giữa 4 giống ở vụ mùa 2020, giống TL16 có chiều cao cây lớn nhất, mức 123,4 cm và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với 3 giống còn lại. Giống GL2 khi trồng khảo nghiệm trong vụ mùa 2020 có chiều cao cây lớn hơn giống K.326 nhưng mức khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, giống GL2 được trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có chiều cao cây lớn hơn rõ rệt so với giống K.326 (tTN* = 7,27> t0,05 = 2,05).
Đối với kích thước lá vị bộ trung châu: Cả 3 giống khảo nghiệm có chiều dài lá lớn hơn so với giống K.326 ở vụ mùa 2020 và giống GL2 tiếp tục thể hiện ưu thế về chiều dài lá so với giống K.326 ở ruộng mô hình trong vụ mùa 2021. Về chiều rộng lá, giống GL2 có chiều rộng lá lớn nhất trong thí nghiệm so sánh giống ở vụ mùa 2020 và cũng có chiều rộng lá lớn vượt trội giống K.326 ở ruộng mô hình trong vụ mùa 2021.
Đường kính thân của các giống không có sự khác biệt trong thí nghiệm khảo nghiệm giống ở vụ mùa 2020 và giống GL2 cũng không có sự khác biệt so với giống K.326 về chỉ tiêu này ở ruộng mô hình vụ mùa 2021.
Đánh giá qua các vụ mùa 2020-2021 cho thấy, giống GL2 thể hiện ưu thế sinh trưởng so với giống K.326 về chiều cao cây và kích thước lá nhưng không có sự khác biệt về đường kính thân.
3.2. Năng suất và chất lượng nguyên liệu của các giống tại Gia Lai trong các vụ mùa 2020-2021
Theo dõi một số chỉ tiêu cấu thành năng suất, năng suất và công nghệ nguyên liệu của các giống khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 và của giống GL2 trong mô hình ở vụ mùa 2021 tại Gia Lai cho kết quả như ở bảng 2.
Bảng 2: Một số chỉ tiêu cấu thành năng suất, năng suất và chỉ tiêu công nghệ nguyên liệu của giống GL2 trong các thí nghiệm khảo nghiệm và mô hình tại Gia Lai
Khối lượng tươi của lá vị bộ lá trung châu thường có sự tương quan thuận với năng suất. Trong thí nghiệm khảo nghiệm ở vụ mùa 2020, giống TL16 có khối lượng lá cao nhất (80,0g) nhưng không có sự khác biệt so với các giống GL2, GL7. Các giống TL16, GL2 có khối lượng lá lớn hơn so với giống đối chứng K.326 ở mức có ý nghĩa thống kê với xác xuất 95%. Số liệu ở ruộng mô hình ở vụ mùa 2021 cũng cho thấy giống GL2 có khối lượng lá lớn hơn giống K.326.
Tỷ lệ tươi/khô là một chỉ số cho biết khả năng tích lũy chất khô của giống. Các giống khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 có tỷ lệ tươi/khô biến động từ 7,4 ở giống GL2 đến 8,3 ở giống GL7 và cao hơn giống K.326 cho thấy chúng có khả năng tích lũy chất khô kém hơn. Kết quả này tiếp tục được khẳng định với giống GL2 ở ruộng mô hình trong vụ mùa 2021 khi có tỷ lệ tươi/khô mức 7,2 và cao hơn mức 6,8 của giống K.326. 
Về năng suất lá khô: Các giống trồng khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 có năng suất lá khô biến động từ 3,27 tấn/ha ở giống GL7 đến 3,75 tấn/ha ở giống TL16; Giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có năng suất 3,58 tấn/ha không cho thấy sự khác biệt đáng kể so với năng suất ở vụ mùa 2020. Mức năng suất trên của các giống là khá cao nhưng vẫn thấp hơn giống đối chứng K.326. Điều này cho thấy, ở điều kiện ít có bệnh gây hại trong các vụ mùa 2020-2021, giống K.326 đã thể hiện tiềm năng cho năng suất rất cao. 
Đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng và công nghệ nguyên liệu của các giống cho thấy:
- Tỷ lệ lá cấp loại tốt (cấp 1+2) của các giống trồng khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 đạt từ 47,9% ở giống GL7 đến 52,8% ở giống GL2 - thấp hơn so với giống đối chứng, nhưng các giống GL2 và TL16 có mức chênh lệch không lớn. Giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có tỷ lệ lá cấp 1+2 khá cao (68,0%) nhưng vẫn thấp hơn giống K.326 với mức chênh lệch 2,1%.
- Tỷ lệ cuộng lá là chỉ tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thu hồi thịt lá nên được các khách hàng quan tâm: Các giống trồng khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 có tỷ cuộng từ 35,7% ở giống GL2 đến 38,7% ở giống TL16. Giống GL2 có tỷ lệ cuộng thấp hơn rõ rệt các giống còn lại và giống đối chứng K.326 cho thấy ưu thế về tỷ lệ thu hồi thịt lá cao. Giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 cũng có tỷ lệ cuộng thấp hơn giống K.326, tuy nhiên mức chênh lệch không lớn như trong thí nghiệm khảo nghiệm giống ở vụ mùa 2020.
*Kết quả phân tích hóa học: 
Kết quả phân tích một số thành phần hóa học chính ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu của các giống khảo nghiệm và giống GL2 trồng mô hình trong các vụ mùa 2020-2021 tại Gia Lai được thể hiện ở bảng 3 cho thấy: 
Bảng 3: Thành phần hóa học chính và điểm bình hút cảm quan nguyên liệu của giống GL2 ở thí nghiệm khảo nghiệm và trong mô hình ở các vụ mùa 2020-2021 tại Gia Lai
Hàm lượng nicotin: Giống TL16 trong thí nghiệm khảo nghiệm giống ở vụ mùa 2020 có hàm lượng nicotin ở mức thấp (1,36%) trong khi các giống còn lại có hàm lượng nicotin biến động trong phạm vi hẹp, từ 1,91% ở giống GL7 đến 2,26% ở giống K.326 - mức khá phù hợp cho công tác phối chế. Giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có hàm lượng nicotin 2,3% cũng nằm trong ngưỡng phù hợp cho công tác phối chế (từ 1,8 đến 2,6%).
Hàm lượng đường khử: Các giống khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 có hàm lượng đường khử từ mức 21,4% ở giống TL16 đến 23,2% ở giống GL2 và cao hơn giống K.326 nhưng mức chênh lệch được đánh giá là không lớn. Giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có hàm lượng đường khử thấp hơn, mức 20,4% và rất sát ngưỡng tối ưu cho công tác phối chế (14 - 20%).
*Kết quả đánh giá chất lượng cảm quan nguyên liệu: 
- Về hương thơm: Nguyên liệu của các giống trồng khảo nghiệm ở vụ mùa 2020 được đánh giá khá tốt về hương thơm khi có điểm ở mức khá từ 9,0 đến 9,3 điểm. Nguyên liệu của giống GL2 trồng mô hình ở vụ mùa 2021 có hương thơm khá tốt, cường độ khá mạnh, dễ chịu nên đạt điểm hương (9,9 điểm) cao hơn giống K.326. 
- Về khẩu vị: Tương tự như chỉ tiêu hương thơm, nguyên liệu của các giống cũng được đánh giá khá tốt về khẩu vị: Vị khá, có hậu vị, hơi cay nóng với điểm số từ 9,0 đến 9,3 điểm ở vụ mùa 2020 và giống GL2 đạt 9,5 điểm ở vụ mùa 2021 - không có sự khác biệt so với giống K.326.
Tổng điểm bình hút nguyên liệu của các giống đạt mức từ 37,3 đến 38,1 điểm ở thí nghiệm khảo nghiệm giống vụ mùa 2020 ở mức tính chất hút khá; Tổng điểm bình hút của giống GL2 ở ruộng mô hình vụ mùa 2021 đạt 40,4 điểm ở mức tính chất hút tốt tương đương giống K.326.
IV. KẾT LUẬN
Kết quả khảo nghiệm một số giống thuốc lá vàng sấy triển vọng trong vụ mùa 2020 và xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu giống phù hợp ở vụ mùa 2021 tại Gia Lai cho thấy: Giống GL2 có năng suất, tỷ lệ lá cấp 1+2 gần tương đương với giống K.326 - là giống có tiềm năng năng suất cao ở điều kiện mức độ bệnh hại thấp và mức thâm canh cao tại phía Nam. Nguyên liệu của giống GL2 có các thành phần hóa học chính như hàm lượng nicotin và đường khử ở mức khá phù hợp cho công tác phối chế; Có điểm hương thơm, khẩu vị và tổng điểm bình hút khá cao, ở mức tương đương giống đối chứng có chất lượng tốt K.326. Như vậy có thể bổ sung giống GL2 vào cơ cấu giống thuốc lá tại vùng trồng Gia Lai nhằm giảm thiểu các rủi do khi dịch bệnh khảm lá hoặc đen thân bùng phát và gây hại cho sản xuất tại vùng trồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Ngọc Bích (2004). Theo dõi tình hình sâu bệnh hại thuốc lá làm cơ sở dự báo và tư vấn biện pháp phòng trừ phục vụ sản xuất nguyên liệu ở các tỉnh phía Nam. Báo cáo đề tài cấp Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam năm 2004.
2. Bộ Công nghiệp, 2002. Tiêu chuẩn ngành TCN 26-1-02 về Thuốc lá vàng sấy - Phân cấp chất lượng và yêu cầu kỹ thuật.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2002a. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7103:2002 về Thuốc lá và sản phẩm thuốc lá: Xác định hàm lượng alkaloit bằng phương pháp đo phổ.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ, 2002b. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7102:2002 (CORESTA 38:1994) về Thuốc lá: Xác định đường khử bằng phương pháp phân tích dòng liên tục.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2012. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-85:2012/BNNPTNT về Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống thuốc lá vàng sấy.
6. Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Đình Hiền và Lê Quốc Thanh, 2014. Thiết kế, thi công thí nghiệm, xử lý số liệu và phân tích kết quả trong nghiên cứu nông nghiệp. Nhà 
xuất bản Khoa học và Kỹ thuật: 367 trang.
7. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, 2000. Tiêu chuẩn tạm thời TC 01-2000 về Đánh giá chất lượng cảm quan thuốc lá nguyên liệu.
Abstract
In order to supplement the flue cured tobacco varieties for the southern growing region, five varieties selected by the Tobacco Institute that are being used in the North have been tested for selective evaluation in Gia Lai in the 2019-2021 crops. The results of testing for 3 promising varieties in the 2020 crop and setting up a model field of GL2 in the 2021 crop in Gia Lai show that: GL2 variety has high yield (3.58- 3.63 tons/ha) is almost equivalent to the variety K.326 - which has high yield potential under conditions of low disease severity and high level of intensive cultivation in the South. The raw materials of the GL2 variety have nicotine content from 1.99 to 2.30% and reducing sugar content from 20.4 to 23.2% which is quite suitable for mixing; It has quite high aroma, taste and total suction points, equivalent to the good quality control variety K.326. Thus, it is possible to add GL2 to the tobacco variety structure in the Gia Lai growing area to minimize the risks when tobacco mosaic disease or black shank disease outbreaks and harms production in the growing area.
Keywords: Flue cured tobacco, Gia Lai growing area, tobacco variety structure
Nguyễn Văn Ninh1, Nguyễn Thái Hoàng2
1Viện Thuốc lá; 2Công ty CP Hòa Việt – Tổng công ty thuốc lá Việt Nam
lên đầu trang