Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:15

Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:15

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:12 ngày 17/01/2022

Kinh nghiệm thế giới về xây dựng hệ thống quản lý môi trường (EMS) trong quản lý chất thải mỏ

1 . Tổng quan 
Quản lý môi trường là một phương thức tiếp cận hệ thống để xem xét tới mọi khía cạnh có liên quan tới môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp. Quản lý môi trường phải được xem như là một bộ phận gắn liền trong hoạt động và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải quan tâm tới quản lý môi trường vì các lý do: yêu cầu của pháp luật và những quy định bắt buộc khác đối với doanh nghiệp; áp lực về nhận thức, về danh tiếng và về quan hệ cộng đồng; sự cạnh tranh; và sức ép về mặt tài chính.
Hệ thống quản lý môi trường (EMS) là một phần trong hệ thống quản lý chung của một doanh nghiệp được sử dụng để triển khai và áp dụng chính sách môi trường và quản lý các vấn đề môi trường của doanh nghiệp. EMS là một công cụ quản lý được sử dụng để định hướng và kiểm soát các hoạt động quá trình sản xuất kinh doanh của một tổ chức có khả năng gây ra các tác động môi trường. Mục tiêu của hệ thống EMS nhằm (i) tăng sự tuân thủ và giảm lượng chất thải; giúp các tổ chức sản xuất/dịch vụ bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm và cải tiến liên tục hệ thống quản lý môi trường của mình; (ii) tuân thủ là hành động đạt được và duy trì các tiêu chuẩn tối thiểu. Nếu không tuân thủ, các công ty có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt, sự can thiệp của chính phủ hoặc có thể không còn khả năng hoạt động; (iii) giảm lượng chất thải thì vượt xa tuân thủ để giảm tác động môi trường. EMS giúp phát triển, thực hiện, quản lý, điều phối và giám sát các chính sách môi trường. Giảm lượng chất thải bắt đầu từ giai đoạn thiết kế thông qua phòng ngừa ô nhiễm và giảm thiểu chất thải. Vào cuối của chu kỳ, chất thải được giảm thiểu bằng cách tái chế. Hệ thống EMS xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 14001 là công cụ giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường thay vì đối phó thụ động với các yêu cầu pháp lý. 
Tại Việt Nam, chứng chỉ ISO 14001:1996 đã được cấp lần đầu tiên vào năm 1998 và từ đó đến nay, số lượng tổ chức áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 và đạt chứng chỉ không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp và ngành nghề tham gia áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14001 chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp có tiềm năng áp dụng. Điều này là do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn hạn chế và còn mang tính hình thức, đối phó.
Luật bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam  khóa 14 kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022. Tại khoản 1 Điều 53 của Luật, đối tượng là cơ sở sản xuất kinh doanh có lưu lượng xả thải lớn (nước thải và khí, bụi thải) ra môi trường bắt buộc sẽ phải có hệ thống quản lý môi trường EMS theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận [1]. Do vậy, một số kinh nghiệm quốc tế dưới đây là tài liệu tham khảo cho doanh nghiệp khai thác mỏ Việt Nam định hướng xây dựng hệ thống EMS trong quản lý chất thải mỏ của doanh nghiệp mình. 
2. Nguyên tắc xây dựng hệ thống EMS trong quản lý chất thải mỏ
Hệ thống quản lý môi trường EMS thiết lập cho các dự án khai thác mỏ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan chất thải mỏ với mục tiêu làm giảm khối lượng chất thải phát sinh và cải thiện công nghệ xử lý chất thải đã có [3]. 
Nguyên tắc tổng thể quản lý chất thải cho dự án khai thác mỏ, bao gồm:
  • Các chương trình được đưa ra để đảm bảo rằng chất thải được loại bỏ (hoặc nếu có thể tránh thải chất thải), giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý. Hồ sơ được lưu giữ để đảm bảo tất cả các chất thải có thể được kiểm soát từ nguồn đến khâu xử lý, và các khu vực tiếp nhận chất thải được kiểm toán để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn thải phù hợp.
  • Các nguyên tắc phụ để giảm thiểu và quản lý chất thải cho dự án gồm:
  • Đề xuất phương án sử dụng nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
  • Đề xuất phương án nhằm giảm tác động môi trường của hoạt động sản xuất. Các chương trình được thực hiện để bảo vệ, quản lý và, nâng cao vai trò, giá trị của đa dạng sinh học.
  • Các sản phẩm và hoạt động cuả dự án hiện tại và mới sẽ được đánh giá về các khía cạnh có lợi, có hại cho sức khỏe, an toàn, môi trường và cộng đồng trong suốt vòng đời hoạt động của dự án.
  • Hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm và công nghệ an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và các vật liệu khác.
  • Tư vấn cho nhân viên, nhà thầu, nhà phân phối, khách hàng và cộng đồng về các tác động tới sức khỏe, an toàn, môi trường và cộng đồng có thể có liên quan đến việc sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, tái chế và thải bỏ các sản phẩm của dự án.
  • Các hệ thống sẵn sàng để xác định, đánh giá và đáp ứng với các tác động bên ngoài liên quan đến sức khỏe, an toàn, môi trường và cộng đồng (ví dụ: nhu cầu/mong muốn của khách hàng, quy định, tiêu chuẩn tự nguyện và sáng kiến của đối thủ cạnh tranh) có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm và hoạt động sản xuất của dự án khai thác mỏ.
Tất cả chất thải phát sinh tại chỗ trong giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác mỏ sẽ được xử lý tuân thủ theo kế hoạch quản lý môi trường của nhà thầu xây dựng hoặc kế hoạch quản lý môi trường của khu vực, trong đó sẽ cung cấp các thông tin như sau:
  • Đặc tính và phân loại dòng thải.
  • Đánh giá khả năng giảm thiểu chất thải đối với các chất thải đã được xác định.
  • Quản lý chất thải theo phân cấp quản lý chất thải như được xác định trong nguyên tắc tổng thể ban đầu về quản lý chất thải.
Hệ thống EMS có thể được các cơ sở khai thác mỏ sử dụng để quản lý các vấn đề môi trường của mỏ thông qua vòng đời của mỏ theo hướng tích hợp hoàn toàn với các vấn đề quản lý khác của mỏ. Hệ thống EMS mang lại cách tiếp cận cấu trúc đảm bảo thỏa mãn chính sách môi trường của doanh nghiệp thông qua một hệ thống lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, hành động khắc phục và xem xét phương pháp quản lý. Điều này sẽ phản hồi lại tích cực để tiếp tục điều chỉnh, cải thiện để đạt được mục đích và mục tiêu và đảm bảo các chính sách, quy định về môi trường trong suốt đợt hoạt động của mỏ. 
Việc phát triển, thực hiện và duy trì liên tục hệ thống EMS với định kỳ kiểm tra, giám sát, điều chỉnh lại và chương trình cải tiến liên tục rất phù hợp cho giai đoạn mỏ hoạt động khai thác khi có các thay đổi về địa hình địa mạo mỏ và điều này dẫn đến phát sinh các nhu cầu về phương án cải tạo phục hồi môi trường và các hoạt động quản lý khác được cập nhật liên tục.
Hệ thống EMS cần được liên tục phát triển, thực hiện và duy trì, cập nhật phù hợp với tiêu chuẩn được quốc tế công nhận như ISO 14001. EMS được sử dụng để quản lý tất cả các vấn đề môi trường cuả hoạt động sản xuất, làm giảm hậu quả do sản xuất mang lại. Các thành phần của hệ thống EMS bao gồm:
  • Mục tiêu và mục đích trong chính sách môi trường của doanh nghiệp khai thác mỏ
  • Danh mục các hành động môi trường của cả doanh nghiệp khai thác mỏ 
  • Các quy trình nội bộ thực thi các chính sách môi trường của doanh nghiệp khai thác mỏ hàng ngày
  • Quan trắc, kiểm tra và kiểm toán hệ thống
  • Thực hiện các hành động cải thiện liên tục.
3. Kinh nghiệm xây dựng hệ thống EMS trong quản lý quặng đuôi tại mỏ Enkado, Canada
Mỏ molypden Endako thuộc Công ty TNHH Thompson Creek Mining Ltd hàng năm sản xuất khoảng 5000 tấn tinh quặng molypden tại bang Bristish Comlumbia, Canada. Hệ thống quản lý môi trường (EMS) của mỏ bao gồm các vấn đề: các thông số thiết kế, vận hành, kiểm tra đập thải quặng đuôi; nhận diện các vấn đề chính; thành lập ban thường trực quản lý quặng đuôi và đánh giá bên ngoài theo định kỳ hàng năm. Cụ thể các nội dung trong hệ thống EMS của mỏ như sau:
3.1. Thiết kế, vận hành và kiểm tra
Về thiết kế đập thải: các yếu tố ảnh hưởng tới thiết kế đập hồ thải quặng đuôi bao gồm: địa chấn, tiêu chuẩn địa kỹ thuật, độ nhạy về môi trường, chất lượng nước hồ đập, chất lượng nước thải, tiêu chuẩn về thủy văn, các quy định pháp luật, kiểm soát rò rỉ, bảo vệ nước mặt và nước ngầm và các hệ thống xử lý.
Về vận hành đập thải: Kế hoạch thải quặng đuôi hàng năm theo thiết kế, phương án xử lý nước, phương pháp thải, các yêu cầu về bảo dưỡng và bảo vệ môi trường. Ban quản lý hồ đập thải quặng đuôi thực hiện xem xét tổng thể về đập hồ thải định kỳ hàng tháng.
Về kiểm tra đập thải: Các cuộc kiểm tra, kiểm toán nội bộ và bên ngoài được thực hiện để kiểm tra tính ổn định, bền vững của hồ đập thải và đảm bảo rằng vận hành hồ đập quặng đuôi tuân theo các hoạt động đã lập từ trước.
3.2. Nhận diện các vấn đề chính
Trong bản kế hoạch quản lý hồ đập thải quặng đuôi đã nhận diện được các thành phần chính sau đây liên quan: thiết kế hồ đập thải, phạm vi thải quặng đuôi, độ ổn định của hồ đập thải, phương pháp thải quặng đuôi, chế độ thủy văn, hệ thống kiểm soát nước trên hồ đập, biện pháp quản lý các tác động môi trường.
3.3. Thành lập Ban thường trực quản lý đập thải quặng đuôi
Ban thường trực quản lý hồ đập thải quặng đuôi bao gồm các đại diện các bộ phận liên quan: xây dựng, vận hành hồ đập, xưởng tuyển khoáng và phòng môi trường. Ban này có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn của hồ đập thải và các thiết kế khác của hồ đập có liên quan và có trách nhiệm kiểm tra hàng ngày hoạt động của hồ đập thải tuân thủ theo các yêu cầu trong thiết kế hồ đập. Ban này cũng phải rà soát và kiểm tra hàng tháng, đưa ra các đề xuất điều chỉnh liên quan và thực hiện các điều chỉnh đó kịp thời.
3.4. Đánh giá từ bên ngoài
Hàng năm, trong hệ thống EMS, doanh nghiệp mỏ sẽ thuê chuyên gia (chuyên ngành địa kỹ thuật) ở bên ngoài đến kiểm tra và đánh giá hệ thống thải đuôi quặng của toàn bộ các đập, hồ thải đuôi của doanh nghiệp mỏ. Các kết quả đánh giá của chuyên gia tư vấn được tích hợp vào các chương trình kiểm tra và giám sát và là cơ sở cho việc cải thiện hệ thống quản lý đập thải. Báo cáo đánh giá của chuyên gia tư vấn cần bao gồm các thông tin:
  • Kế hoạch quản lý và các vấn đề đáng chú ý trong kế hoạch;
  • Các hình ảnh về vị trí đập thải
  • Tổng quan về khí tượng, khí hậu khu vực
  • Tóm tắt về hoạt động xây dựng liên quan đập thải trong những năm trước đây và mô tả các điểm ổn định
  • Tổng quan về cân bằng nước
  • Các điểm dự phòng lưu trữ quặng đuôi
  • Các dấu hiệu về rò rỉ đập thải
  • Biện pháp kiểm soát nước mặt và xói mòn bề mặt
  • Đánh giá về công trình và lưu trữ dữ liệu và dữ liệu áp kế, các dịch động xung quanh bờ đập thải; 
  • Đánh giá về độ ổn định tổng thể của đập thải
  • Các kiến nghị về chương trình quan trắc và các vấn đề cần được cải thiện tiếp theo.
Các quy trình quản lý quặng đuôi được thể hiện trong nhiều tài liệu kỹ thuật khác nhau. Tài liệu hướng dẫn cho quá trình vận hành đập thải sẽ bao gồm phần kiểm tra đập thải và phần quy trình ứng phó khẩn cấp. Tài liệu hướng dẫn quy trình ứng phó khẩn cấp bao gồm các bước cần thực hiện trong trường hợp đập quặng đuôi gặp sự cố. Nội dung tài liệu này bao gồm các quy trình thông tin cho các thành viên có liên quan, các cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ và cộng đồng dân cư địa phương để thu gom bùn thải tràn ra và để tổ chức nhân lực ứng phó. Nội dung cũng bao gồm liệt kê các thông tin cần thiết để lập báo cáo về sự cố tràn bùn thải quặng đuôi, bao gồm các kế hoạch hành động tiếp theo và kế hoạch dự phòng. Kể từ khi quy trình, kế hoạch quản lý đập thải quặng đuôi nói trên được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1996 thì mọi vấn đề liên quan đến đập thải quặng đuôi đã được hệ thống quản lý môi trường EMS xem xét. Định kỳ hàng quý/hàng năm EMS sẽ được rà soát, chỉnh sửa, lược bỏ bớt các hoạt động/nội dung không phù hợp hoặc không còn cần thiết. 
4. Kết luận
Các doanh nghiệp khai thác mỏ có lưu lượng xả thải lớn (nước thải từ khai trường hoặc từ nhà máy tuyển) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ là đối tượng phải tiến hành xây dựng hệ thống quản lý môi trường EMS. Một số kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống EMS cho quản lý chất thải mỏ trên đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp mỏ của Việt nam học tập kinh nghiệm và xây dựng các chiến lược nhằm định hướng đảm bảo vừa tuân thủ theo các yêu cầu ngày càng chặt chẽ của luật pháp về bảo vệ môi trường, vừa để xây dựng hình ảnh tốt với đối tác, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư xung quanh./.
5. Tài liệu tham khảo 
[1] Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, hiệu lực thi hành từ 01/01/2022.
[2] European Commission, 2019. Study supporting the elaboration of guidance on best practices in the Extractive Waste Management Plans. Final Report, September 2019.
[3] BHP Billiton Mitsubishi Alliance, 2010. Caval Ridge Coal Mine Project – Environmental Impact Statement. 
[4] ICME-UNEP, 1998. Case Studies on Tailings Management.
TS.Nguyễn Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Môi trường Công nghiệp (CIE)
lên đầu trang