Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 00:27

Thứ bảy, 04/05/2024 | 00:27

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:52 ngày 14/02/2022

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường châu Âu

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế đối với sản xuất hàng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến... Với nguồn nguyên liệu nông sản thực phẩm dồi dào, tươi ngon quanh năm, ngành chế biến thực phẩm đã hình thành và phát triển, là nguồn cung cấp thực phẩm chế biến quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa mà còn là nguồn cung ứng quan trọng đối với thị trường trường thế giới, trong đó có thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, với nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề… đã tạo ra lợi thế trong sản xuất các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giầy dép. Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu thời gian qua.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cho thấy, hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là nông, thuỷ sản chế biến, quần áo, dệt may, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may và giầy dép của Việt Nam sang EU đạt lần lượt là 3,33 tỷ USD và 4,7 tỷ USD). Đây cũng là nhóm hàng mà thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng năm lớn.
Do vậy, EU là một trong những thị trường nhiều tiềm năng đối với xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam với nhu cầu cao và ngày càng gia tăng. Mặc dù vậy, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù với những tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ… đặc biệt đối với hàng công nghiệp chế biến như thực phẩm chế biến là những trở ngại lớn để Việt Nam khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đối với xuất khẩu hàng công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng. Trong khi đó, năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam còn nhiều hạn chế, hàm lượng công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh yếu, ở vị trí thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU nói riêng. Tuy vậy, hầu hết các công trình này tập trung nghiên cứu đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường EU, mà chưa nghiên cứu cụ thể đối với nhóm hàng công nghiệp. Đồng thời các công trình này cũng chưa nghiên cứu sâu đối với việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp theo như mục tiêu và cách tiếp cận của đề tài nghiên cứu này.
Từ những lý do nêu trên, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Việt San thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường châu Âu” trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu là hết sức cần thiết.
Đề tài đã tổng kết những lý luận và thực tiễn về đẩy nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến để đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới. Cụ thể:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp trên cơ sở hệ thống hóa những khái niệm liên quan, xác định được những nội dung, tiêu chí và biện pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp, từ đó xác định được những nhân tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp. Đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia để nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp sang thị trường EU để tổng kết và rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là khung lý thuyết quan trọng để đề tài nghiên cứu các nội dung tiếp theo.
- Nghiên cứu thực trạng năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường EU. Trong đó, đề tài đã tổng quan nhu cầu và các quy định của EU đối với nhập khẩu hàng công nghiệp chế biến, cũng như các chính sách, biện pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU thời gian qua trên cơ sở khung lý luận trong chương trước đó. Đồng thời, đề tài đã nghiên cứu thực trạng năng lực xuất khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể của Việt Nam sang thị trường EU như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến… Trên cơ sở đó, đề tài đánh giá những thành công và hạn chế về năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU thời gian qua. Những kết quả nghiên cứu này là cơ sở thực tiễn để đề tài xác lập các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm nâng cao năng lực.
- Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU đến năm 2025. Trong đó, đề tài đã phân tích triển vọng nhập khẩu của châu Âu đối với một số hàng công nghiệp chế biến và xác định được những yêu cầu đặt ra đối với nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU đến năm 2025. Đề tài xác định được một số quan điểm và định hướng lớn nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu đối với Nhà nước và đối với các doanh nghiệp để nâng cao năng lực xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam sang thị trường EU...
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16877/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Theo vista.gov.vn
lên đầu trang