Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 11/10/2024 | 15:24

Thứ sáu, 11/10/2024 | 15:24

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 30/12/2016

Ngành Công Thương Thừa Thiên Huế: Đổi mới để phát triển

Tiếp tục đổi mới sản phẩm và cung cách phục vụ

Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2016?

Năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như 4 tỉnh miền Trung gặp sự cố môi trường biển nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực công thương. Về sản xuất công nghiệp, mặc dù một số ngành gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự chủ động điều chỉnh kịp thời các giải pháp sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nên tình hình sản xuất công nghiệp đã phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế

Ngành Dệt may tiếp tục phát huy và duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhờ có thị trường, đơn hàng ổn định. Trong đó, sợi các loại đạt 74.393 tấn, tăng 15%; quần áo lót đạt 283 triệu sản phẩm, tăng 8%. Năng lực tăng thêm của các dự án đầu tư mở rộng nâng công suất, đầu tư mới trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp dệt may đã được UBND tỉnh, các sở ban ngành liên quan phối hợp tháo gỡ kịp thời. Sản xuất xi măng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016, sản lượng ước đạt 2.081 nghìn tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ năng lực tăng thêm của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, thị trường tiêu thụ mở rộng và tiêu thụ tốt tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Trong quý III và quý IV, tốc độ phục hồi của một số ngành rất đáng kể, mà trong đó nổi bật nhất là công nghiệp sản xuất bia. Sản lượng bia sản xuất 6 tháng cuối năm tăng hơn 100% so với kế hoạch, từ đó đã bù đắp được kế hoạch đề ra cả năm. Bia của Thừa Thiên Huế đã chiếm lĩnh lại thị trường phía Nam và thị trường Bắc Trung bộ.

Đặc biệt, do không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ, cũng như công tác cải cách hành chính, ngành Công Thương được UBND tỉnh đánh giá cao là ngành đi đầu sử dụng mạng để làm công cụ quản lý, cũng như công cụ tuyên truyền.

Vậy, hiện tại ngành còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Qua sự cố môi trường biển, chúng tôi rút ra nhiều bài học, trong đó việc ổn định sản xuất, kinh doanh cho bà con, cũng như vấn đề tiêu thụ thủy - hải sản của ngư dân là rất cấp bách. Nhờ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngành Công Thương đã phấn đấu ổn định lại sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, về công nghiệp hiện tại một số ngành liên quan đến khai thác và chế biến hải sản vẫn còn khó khăn do có tồn đọng và hiện chúng tôi đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ngành liên quan đến chế biến, nông sản, thủy sản cũng bị ảnh hưởng. Về thương mại, một số nơi thu mua, cung ứng cũng bị ảnh hưởng theo.

Một số ngành bị thiệt hại lớn chưa thống kê được như dịch vụ đánh bắt thủy hải sản, kinh doanh, mua bán, tại các nhà hàng, điểm vui chơi, du lịch đều có ảnh hưởng.

Xin ông cho biết những định hướng của ngành trong năm 2017?

Trong năm 2017 chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, thực hiện hai dự án lớn trong lĩnh vực dệt may là: Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may ở huyện Phong Điền với diện tích khoảng 400 - 500ha; kết hợp với Tập đoàn Scavi xây dựng khu chuyên biệt sản xuất hàng dệt may cao cấp cũng tại huyện Phong Điền.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến. Đây là lợi thế của tỉnh vì chúng tôi đang có mặt hàng của nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi để nâng cao giá trị sản xuất, hàng hóa. Đưa việc khai thác, chế biến, nuôi trồng và chăn nuôi vào các khu trang trại tập trung. Hiện, tỉnh đã hình thành các khu trang trại rồi, tuy nhiên mô hình này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới thông qua các tập đoàn.

Trong năm 2017, chúng tôi có tham vọng sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung, cầu với các tập đoàn nước ngoài để đưa hàng của Việt Nam nói chung và những sản phẩm Huế nói riêng ra nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi có những giải pháp để ổn định các mặt hàng chủ lực của tỉnh với các mặt hàng như bia, xi măng, thủy sản, nông sản và các sản phẩm ăn uống, bánh kẹo...

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang