Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 11/10/2024 | 17:18

Thứ sáu, 11/10/2024 | 17:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:18 ngày 31/12/2016

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu Lạng Sơn năm 2016 tăng khá

Số liệu tổng kết của Sở Công Thương Lạng Sơn cho thấy, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) năm 2016 ước đạt 4.310 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2015. Đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn Lạng Sơn năm 2016 đều có sản lượng tăng khá so với năm 2015.

Sản lượng xi măng Lạng Sơn năm 2016 tăng trưởng cao 30%

Trong đó, xi măng đạt 936.000 tấn, tăng 30%; sản xuất đá các loại đạt 2.925.000 m³, tăng 22,5%; nước máy đạt 8.280.000 m³, tăng 8,2%; chì thỏi đạt 5.244 tấn, tăng 4,5%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 65.000 m³, tăng 14% so với 2015...

Một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn đã phát huy khá tốt công suất hiện có, tiêu thụ tốt, trong đó có Tổ hợp Điện-Than Na Dương, Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc bộ... Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã có một số dự án công nghiệp mới đi vào khai thác như Nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn (giai đoạn I), Nhà máy Thủy điện Bắc Khê 1, Nhà máy thủy điện Thác Xăng (Bắc Giang 2), một số cơ sở bóc ván khu vực Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, các cơ sở sản xuất ván dán tại Hữu Lũng...

Đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng trên địa bàn Lạng Sơn trong năm 2016 tăng cao (xi măng, đá và gạch các loại...). Trong đó, Nhà máy xi măng Đồng Bành đã duy trì ổn định công suất thiết kế, tăng đáng kể sản lượng so với năm 2015; hoạt động khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng đã tranh thủ được các dự án đầu tư công như Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang- Hà Nội, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A..., qua đó đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản lượng cao so với năm 2015...

Trong năm 2016, các doanh nghiệp ở Lạng Sơn tiếp tục được trung ương và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thủy - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn thì vẫn có nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn hoạt động còn khó khăn do tiềm lực tài chính hạn chế, trang thiết bị, máy móc lạc hậu, thiếu công nhân lành nghề, khả năng tiếp cận thông tin thị trường trong và ngoài nước hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời được các quy định pháp luật mới, thiếu chủ động liên doanh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Bước sang năm 2017, năng lực sản xuất mới một số sản phẩm trên địa bàn dự báo sẽ tăng do các dự án công nghiệp mới hoàn thành đã đi vào khai thác phát huy công suất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, vì vậy, ngành công thương Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu năm 2017 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,8 % so với năm 2016.

Lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho hay, trong năm 2017, tỉnh và ngành công thương tỉnh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì và phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, sẽ chú trọng ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp, gia công, tái chế hàng hoá xuất nhập khẩu gắn với lợi thế cửa khẩu; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu; hỗ trợ hình thành các làng nghề để tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công tại chỗ; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Sở Công Thương Lạng Sơn sẽ chú trọng phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi công Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn II theo kế hoạch; chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm Công nghiệp thị trấn Hữu Lũng, cụm công nghiệp thuộc huyện Cao Lộc...; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao chất lượng sản phẩm./.

Ngọc Quỳnh

lên đầu trang