Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 17:18

Thứ ba, 07/05/2024 | 17:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:32 ngày 08/04/2022

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam: Hướng tới mục tiêu trung hòa các bon

Sáng ngày 7/4/2022, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” đã diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tạp chí Năng lượng Việt Nam phối hợp tổ chức.
Quang cảnh diễn đàn (Ảnh: HPL)
Diễn đàn có sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố với quốc tế về việc Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính các bon về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020… tại Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu - COP 26, mở ra cơ hội lớn cho phát triển các nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Ngay sau Hội nghị COP 26, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ khẩn trương thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác phát triển để triển khai thực hiện cam kết trên. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Hai) với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được tổ chức là đúng về thời điểm và đúng về vấn đề ưu tiên của quốc gia.
Ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Việt Hùng)
Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư vấn, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đầu tư nguồn năng lượng sạch và các nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức đang gặp phải. Đồng thời, thảo luận về các cơ hội lớn cho các nguồn năng lượng sạch theo định hướng và quyết tâm của Chính phủ về phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao: 8,5%/năm giai đoạn 2021-2030 và 4%/năm giai đoạn 2031-2045. Mức tiêu thụ điện thương phẩm có thể tăng từ 216 tỷ kWh (năm 2020) lên hơn 3.000 tỷ kWh vào năm 2030 và hơn 800 tỷ kWh vào năm 2045. Vì vậy, với tốc độ này, để đạt được cam kết của Thủ tướng Chính phủ đề ra tại COP 26, nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng điện là 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. “Hệ thống điện của Việt Nam không còn là hệ thống nhỏ, trong tương lai sẽ càng phát triển hơn” - ông Cường khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – đại diện Viện Năng lượng trình bày tham luận tại diễn đàn. (Ảnh: HPL)
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong phát triển năng lượng sạch, ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho biết, sự phát triển mạnh của các dự án điện gió và điện mặt trời đã dẫn đến mất cân đối nguồn tải theo miền do các nguồn điện gió và điện mặt trời phát triển chủ yếu tại miền Trung và miền Nam. Cùng với đó, việc triển khai các dự án năng lượng sạch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính…. 
Ông Hiếu kết luận: “Việc thực hiện những cam kết tại COP 26 có nhiều thuận lợi và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, sự tham vấn của các nhà khoa học và sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.”
Tại diễn đàn, các tham luận của các cơ quan, ban ngành và đại diện các doanh nghiệp tham gia đã nhận được sự quan tâm, chú ý của đại biểu. Trong đó có các tham luận trình bày về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí; các chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, công nghệ cao; những điều kiện cấp tín dụng cho vay phát triển dự án năng lượng sạch, kinh nghiệm chính sách quốc tế của các nước đang phát triển về chính sách thu hút nguồn đầu tư, khoản tín dụng đối với đầu tư dự án năng lượng sạch…
Vinh danh "TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021”  (Ảnh: HPL)
Kết thúc chương trình, diễn đàn đã vinh danh “TOP 10 nhà đầu tư IPP năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021” nhằm ghi nhận, động viên và quảng bá các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nguồn điện sạch tiêu biểu và cung cấp các thiết bị điện công nghệ cao, cung cấp dịch vụ xây dựng dự án năng lượng sạch góp phần tăng hiệu quả đầu tư, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn.
Phương Loan
lên đầu trang