Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:32

Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:04 ngày 13/04/2022

Vụ Khoa học và Công nghệ: “Vinh dự vì đóng góp vào thành công chung của ngành Công Thương”

Năm 2021, Tập thể Vụ Khoa học và Công nghệ đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương ghi nhận cho những thành tích trong hoạt động giai đoạn vừa qua, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Công Thương. Cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương đã cho thấy bức tranh tổng thể về những thành tựu này.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương
PV: Xin ông hãy chia sẻ cụ thể hơn về những phần thưởng của Nhà nước và Bộ Công Thương đối với những nỗ lực của Vụ KH&CN trong năm 2021 cũng như giai đoạn vừa qua?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào vì những nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Trong năm 2021, Tập thể Vụ KH&CN đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, danh hiệu thi đua Tập thể Lao động xuất sắc năm 2020, Cờ thi đua của Bộ Công Thương năm 2020, Chi bộ Vụ KH&CN nhận Bằng khen Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền giai đoạn 2016 - 2020. Đây là sự ghi nhận hết sức quý giá với những kết quả trong công tác của Vụ được thể hiện ở tất cả các phương diện và lĩnh vực được Lãnh đạo Bộ phân công, gắn với công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm; sở hữu trí tuệ; quản lý an toàn thực phẩm; công nghệ sinh học; an toàn sinh học. Có được những vinh dự này, trước tiên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt, sự quan tâm thường xuyên của Lãnh đạo Bộ đối với công tác của Vụ; tiếp đến là sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức của Vụ. Trong năm 2021, rất nhiều phần thưởng quý giá đã được Nhà nước và Bộ trao tặng cho cán bộ, công chức Vụ, trong đó, 01 đồng chí được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; 02 công chức nhận Danh hiệu Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương năm 2020; 01 công chức nhận Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền giai đoạn 2016 - 2020 của Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương; cùng nhiều bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân ở nhiều mặt hoạt động của Vụ.
PV: Năm 2021 ngành Công Thương đã ghi dấu ấn với những thành tựu lớn trong hoạt động KH&CN bằng những giải thưởng cao quý, có giá trị. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về niềm vui này không ạ?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Năm 2021, ngành Công Thương vinh dự có nhiều công trình được trao tặngGiải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC). Cụ thể:
- Ba công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh là cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam”; cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0”; cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam”. 
- Năm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN gồm: cụm công trình “Nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững”; cụm công trình “Nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, tiết kiệm năng lượng hóa thạch và sản xuất năng lượng mới, vì sự phát triển bền vững”; cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)”; công trình “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di dộng phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng”; cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR”.
- Hai công trình được giải thưởng VIFOTEC, gồm: công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyềnthiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh (gọi tắt là hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh)” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu, Thiết kế Chế tạo máy Nông nghiệp thực hiện và Công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do TS. Phạm Kiên Cường và các cộng sự thực hiện. Công trình là kết quả thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến của Bộ Công Thương. Có thể thấy rằng, hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được các doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai một cách mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch covid-19, nâng cao năng lực nội tại, từ đó tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng; các doanh nghiệp đang tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứngdụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh. Điển hình như trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021 với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên; trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đang tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa; ngành dầu khí đang thực hiện chuyển đổi số ở Tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên; nhiều điển hình thực hiện chuyển đổi số như: Công ty Cổ phần Thaco Trường Hải, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông,.v.v… là điểm sáng ngành Công Thương mở rộng trong giai đoạn tới; không chỉ ở các doanh nghiệp lớn, quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang lại hiệu quả hết sức tích cực, đồng thời mang đến diện mạo, năng lực mới cho các doanh nghiệp. Tôi tin rằng, sự thay đổi trong diện mạo của các doanh nghiệp, sự lớn mạnh của nền sản xuất trong nước với nền tảng là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là sự ghi nhận quý giá nhất cho hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương cũng như đóng góp của mỗi chúng tôi.
PV: Đó là quả là một thành tích rất đáng tự hào, thưa ông. Năm 2021 là năm khởi đầu của kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Xin ông cho biết về công tác xây dựng định hướng chiến lược, chính sách về KH&CN của Bộ Công Thương trong giai đoạn tới?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định “khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phá chiến lược trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 10 năm tới. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành yếu tố nền tảng, động lực cho quá trình phát triển bứt phá trong giai đoạn tới của ngành Công Thương, trước yêu cầu của quá trình tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, công tác xây dựng định hướng chiến lược, chính sách phát triển khoa học, công nghệ đã được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Đây chính là công tác đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030; trình Thủ tướng Chính phủ đối với 02 Chương trình, Đề án gồm: Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên (công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giày) giai đoạn 2021 - 2030; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục triển khai xây dựng một số chương trình, đề án KH&CN trọng điểm, gắn với định hướng phát triển của một số ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2030. Cùng với công tác xây dựng chiến lược, việc triển khai kế hoạch KH&CN cũng được đổi mới mạnh mẽ, đi vào những vấn đề có tính chất trọng tâm để giải quyết yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực, trình độ công nghệ, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa kết quả thực hiện của các nhiệm vụ, dự án vào thực tiến. Phương thức triển khai, quy trình thực hiện liên tục được cải tiến, từng bước tạo được sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt, trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với sự linh hoạt trong tổ chức triển khai hoạt động như: tăng cường các hình thức họp trực tuyến, hoặc lấy ý kiến chuyên gia đã được áp dụng cho nhiều hội đồng KH&CN. Qua đó, công tác triển khai kế hoạch KH&CN năm 2021, xây dựng kế hoạch KH&CN năm 2022 đã được tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả và theo các quy định hiện hành.
PV: Xin ông cho biết thêm về triển khai của đơn vị trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Với vai trò là một cơ quan tham mưu của Bộ trong công tác quản lý nhà nước, công tác xây dựng pháp luật được triển khai thường xuyên và hết sức chủ động. Hàng năm, Vụ đều tiến hành rà soát, đánh giá việc thực thi các quy định trong từng lĩnh vực; phối hợp với các đơn vị đầu mối, đặc biệt là các địa phương để tổng hợp về tình hình thực hiện các quy định, trong đó có nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai. Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn, đồng thời đảm bảo môi trường phát triển có tính cạnh tranh, minh bạch cho các doanh nghiệp. Riêng trong năm 2021, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành 25 Thông tư quy định, hướng dẫn trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Trong đó, Vụ KH&CN đã tham gia với vai trò thành viên các ban chỉ đạo, ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều Thông tư có liên quan đến các hoạt động KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Ngoài ra, Bộ đã cử đại diện tham gia xây dựng, tham mưu lãnh đạo Bộ có ý kiến tham gia về các vấn đề xây dựng, sửa đổi các Luật, Nghị định, Thông tư của các Bộ, ngành khác liên quan đến lĩnh vực KH&CN, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, sở hữu trí tuệ, v.v…
PV: Trong những năm qua, khi nền kinh tế tiếp tục được mở cửa, quá trình hội nhập diễn ra hết sức nhanh chóng đã đặt ra yêu cầu rất lớn cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, trong đó, một mặt phải đảm bảo sự ổn định của thị trường hàng hóa trong nước, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tiếp cận các thị trường khó tính trên cơ sở tuân thủ các cam kết đã được ký kết. Vậy Vụ KHCN làm thế nào để thực tốt vai trò tham mưu trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Để thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu của Bộ trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, chúng tôi đã tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định về quản lý chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa gắn với yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp và quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong năm 2020 – 2021, Vụ đã trình Bộ trưởng phê duyệt và đi vào triển khai 03 Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương trong công tác đo lường, sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Công tác hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về công bố chất lượng, công bộ hợp quy, chứng nhận sản phẩm; công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương,... được đẩy mạnh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 6 tháng 4 năm 2021 về Danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo tính pháp lý đầy đủ và đảm bảo các yêu cầu cần thiết của quản lý nhà nước trong từng thời kỳ. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành cắt giảm tổng số 1.446 mã HS/1.891 mã HS, chiếm 76,5% số lượng mặt hàng KTCN thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương tính từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Cũng phải chia sẻ thông tin là theo Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương là Bộ dẫn đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu nói chung và công tác cải cách hoạt động KTCN nói riêng, với tỷ lệ hài lòng đạt 41,6% (trong tổng số 3.657 doanh nghiệp được khảo sát).
PV: Đại dịch Covid -19 và những tác động tồi tệ của nó khiến cho tất cả các ngành nghề, đối tượng trong xã hội muốn tồn tại và phát triển buộc phải thích ứng. Xin ông cho biết về công tác quản lý an toàn thực phẩm dưới giác độ là một Vụ có chức năng tham mưu cho Bộ Công Thương trong giai đoạn cùng toàn ngành vượt qua đại dịch?
VỤ TRƯỞNG TRẦN VIỆT HÒA: Năm 2021, Vụ KH&CN đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 13/CT-TTg và Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện các vùng miền cả nước, gồm: Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ và Vĩnh Long. Bên cạnh đó, Vụ đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025” nhằm huy động nguồn lực của xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Có thể nói, kết quả hoạt động đã góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng; ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, hoạt động KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và quản lý an toàn thực phẩm trong ngành Công Thương nói riêng, Vụ KH&CN đã tích cực đổi mới, điều chỉnh phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, đóng góp vào thành công chung của ngành Công Thương. Những phần thưởng này càng khiến chúng tôi thêm cảm hứng, ý chí và quyết tâm tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé, đóng góp hơn nữa vào thành công chung của ngành Công Thương. 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 47- Tháng 12/2021
lên đầu trang