Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 00:49

Thứ hai, 06/05/2024 | 00:49

Chính sách

Cập nhật lúc 09:59 ngày 06/06/2022

Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Thông tư số 06/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Qua đó, giúp các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống máy cắt được Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Long Thanh xã Tam Hợp (Bình Xuyên) đầu tư mua mới từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, góp phần nâng cao năng lực sản suất, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Theo Thông tư, nội dung hỗ trợ gồm tư vấn, công nghệ, thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Đối tượng áp dụng là DN được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về DN đáp ứng các quy định về tiêu chí xác định DNNVV.
Hơn 2 năm đi vào hoạt động, mỗi năm, Công ty TNHH nông nghiệp sạch Vườn Xanh (xã Hồng Châu, Yên Lạc) cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn dưa các loại. Đầu tháng 2/2021, sản phẩm dưa của công ty được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) và đạt chất lượng OCOP 3 sao của tỉnh.
Tuy nhiên, theo anh Hồ Văn Thành, Giám đốc Công ty, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rủi ro lớn, vốn thu hồi lâu, trong khi nguồn vốn của DN lại hạn chế, rất khó mở rộng quy mô sản xuất. Việc Bộ KH&ĐT tư ban hành Thông tư số 06 hướng dẫn một số điều Nghị định số 80 của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, kỹ năng quản lý kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn DN, trong đó hơn 90% DNNVV; phần lớn các DN hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản lý, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển thương hiệu.
Để thúc đẩy DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh đã hỗ trợ các DN tiếp tục vốn vay từ các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế đầu tư các khu nhà xưởng hoàn chỉnh cho các DNNVV thuê; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường, kết nối DN; hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ.
Giai đoạn 2013- 2020, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho hơn 17.000 lượt DNNVV vay vốn với số tiền hơn 67 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 413 DN với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất gần 6.000 DN với số tiền hơn 42 nghìn tỷ đồng; cơ cấu lại thời gian trả nợ cho hơn 1.000 DN với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2020, trước khó khăn của DNNVV do tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ hơn 800 DN gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; giảm tiền điện cho DN. Quỹ Phát triển KH&CN cho 23 dự án ứng dụng KH&CN vay vốn với số tiền hơn 79 tỷ đồng; Quỹ bảo vệ môi trường cho 21 DN vay vốn với số vốn 46 tỷ đồng.
Tỉnh đã tổ chức hơn 400 lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV về quản trị DN, khởi sự DN, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại; 15 hội nghị, tọa đàm diễn đàn khởi nghiệp; đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên tại một số trường cao đẳng, đại học trong tỉnh.
Nhằm thúc đẩy các DNNVV nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giai đoạn 2013-2020, tỉnh đã tổ chức 6 đoàn đi khảo sát thị trường và tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ 7 đoàn DN trong tỉnh tham gia Hội chợ các tỉnh khu vực phía Bắc; hỗ trợ 7 DN ứng dụng tiến bộ công nghệ trong quá trình sản xuất, 30 DN thực hiện chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ, 79 DN xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thông qua các chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tổng vốn đầu tư của các DN giai đoạn 2023-2020 đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 15-20% GDP của tỉnh; đã có 19 DN được Bộ KH&CN phê duyệt, hỗ trợ kinh phí từ sự nghiệp KHCN Trung ương với tổng kinh phí hơn 49 tỷ đồng cho 19 dự án; 6 DN đăng ký 7 đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn 45 DN đăng ký tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia…, góp phần không nhỏ đưa tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 32.896 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, xếp top đầu các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Để tiếp tục thúc đẩy DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, thời gian tới, trên cơ sở Thông tư số 06 của Bộ KH&ĐT ban hành, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông mạnh mẽ về chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các hoạt động và mô hình khởi nghiệp; hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; các tổ chức tín dụng thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng theo từng nhóm ngành nghề; cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay.
Các DN cũng cần năng động, sáng tạo, chủ động triển khai tìm kiến nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, thiết lập hệ thống quản lý, quản trị DN ngay từ khi đi vào hoạt động; tăng cường áp dụng, ứng dụng các tiến bộ KHKT công nghệ mới, tiên tiến hiện đại vào sản xuất.
Theo Báo Vĩnh Phúc
lên đầu trang