Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 15:09

Thứ ba, 07/05/2024 | 15:09

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:13 ngày 17/08/2022

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững

Đó là lời khẳng định của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 17/8.
Sáng ngày 17/8/2022 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững”. Đây là sự kiện nhằm kết nối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững.
Tham gia hội thảo có sự hiện diện của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Carsten Baltzer Rode - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch; bà Sanne Høj Andrén - Tham tán về Nông nghiệp - Thực phẩm, Đại sứ quán Đan Mạch,… và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của hai nước.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Đan Mạch là quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm bền vững. Giữa Việt Nam và Đan Mạch cũng có quan hệ mật thiết, khi Đan Mạch là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1971. Đến nay, hai nước đã chuyển từ mối quan hệ truyền thống lên thành đối tác toàn diện, triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khoẻ, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hoá và thương mại.
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo 
Trong đó nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm là lĩnh vực mà hiện nay Việt Nam chú trọng hợp tác và mong muốn học hỏi mô hình của Đan Mạch, nhằm áp dụng thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp xanh, thực phẩm bền vững trong thời gian tới. “Hội thảo lần này sẽ tạo ra một diễn đàn kết nối và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ giữa các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành cũng như các doanh nhân Đan Mạch và Việt Nam. Sau hội thảo sẽ là các chương trình gặp gỡ và làm việc chuyên sâu giữa các doanh nghiệp hai nước, hứa hẹn nhiều sự hợp tác lâu dài, bền vững, thiết thực và hiệu quả, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới công nghệ trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Về phía Đan Mạch, ông Troels Jakobsen – Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.
Biểu đồ thể hiện mức phát thải trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao của Đan Mạch
Ông Troels Jakobsen cho biết: “Ngày nay, chúng tôi sản xuất lượng lương thực nhiều hơn gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Các công ty và chuyên gia Đan Mạch rất sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng và công nghệ đổi mới với đối tác Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững.”
Tiếp nối những chia sẻ từ phía lãnh đạo các cơ quan nhà nước hai bên là phần giới thiệu những giải pháp, kinh nghiệm ứng dụng của doanh nghiệp, chuyên gia đến từ Đan Mạch. Đây đều là những doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực về giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm; công nghệ chế biến thực phẩm cũng như nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ - những lĩnh vực quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo 
Chương trình hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Đan Mạch và áp dụng chúng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu một nền nông nghiệp thông minh và công nghệ cao. Đây cũng là dịp để các bộ, ban ngành hai nước hợp tác triển khai nhiều chương trình cụ thể trên các lĩnh vực về an toàn thực phẩm, nông nghiệp bền vững, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Quang Ngọc - Phương Loan
lên đầu trang