Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:25

Thứ năm, 28/03/2024 | 15:25

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:28 ngày 23/09/2022

Thanh Hóa: Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh..., góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe của nhân dân.
Để bảo đảm ATTP, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-UBND về Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh, trong đó giao chỉ tiêu bảo đảm ATTP và các nhiệm vụ, đề án về ATTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trưởng Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) đã ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2022, kế hoạch kiểm tra liên ngành về ATTP, kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân năm 2022, kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đối với công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ATTP được giao ngay từ đầu năm. Điển hình như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 48 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Sở Công Thương ban hành kế hoạch xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022. Sở Y tế đã ban hành văn bản triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh năm 2022, văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hậu kiểm các nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm...
Đoàn Kiểm tra liên ngành số 2 tỉnh kiểm tra ATTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa).
Trao đổi với ông Hà Văn Giáp, Quyền Chánh Văn phòng Điều phối vệ sinh ATTP tỉnh, được biết, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh ATTP. Trong công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP, toàn tỉnh đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 763 cơ sở; xác nhận tập huấn kiến thức ATTP cho 453 chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho 1.272 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tiếp nhận và đăng tải theo quy định 191 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, HACCP, ISO 22000...) cho 19 cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP, toàn tỉnh đã thành lập 1.201 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về ATTP; tiến hành kiểm tra 24.908 cơ sở, có 24.215 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 97,2%; phát hiện 693 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 472 cơ sở vi phạm (chiếm 68,1% cơ sở vi phạm) với số tiền phạt hơn 1.058 triệu đồng, không áp dụng các biện pháp xử lý đối với 221 cơ sở (chiếm 31,9% cơ sở vi phạm)...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến... Qua đó, đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức và ý thức người dân, của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước về bảo đảm ATTP theo đúng quy định. Nhờ đó, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, đòi hỏi các ngành, các cấp phải thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm... Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết cách lựa chọn những thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Báo Thanh Hóa
lên đầu trang