Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:32

Thứ sáu, 17/05/2024 | 09:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:41 ngày 16/04/2014

2014: Năm hành động của ngành khoa học và công nghệ

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, nhất là sau khi Luật KH&CN sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Năm 2014 sẽ tập trung vào các chương trình KH&CN quốc gia

Năm 2014 sẽ tập trung vào các chương trình KH&CN quốc gia

 Nhiều thành tựu mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2013 được ghi nhận có nhiều thành tựu đột phá của KH&CN. Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng đã có những đề tài, dự án đạt kết quả tốt. Trong lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang tiến hành đóng giàn khoan 120m nước (sau khi thành công với giàn khoan đầu tiên 90m nước)… Trong lĩnh vực nông nghiệp, lần đầu tiên chúng ta công bố bản đồ gene của 36 giống lúa bản địa Việt Nam, điều này giúp cho khâu tạo giống, cải tạo giống mới có năng suất cao…

Bên cạnh đó, năm 2013 cũng chứng kiến nhiều mô hình ứng dụng KH&CN thành công như mô hình của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Chúng ta đã làm chủ được một số giống cây, giống con nhập ngoại mà hiện nay đang phát triển rất tốt (cam không hạt, hoa lan…).

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, các nhà khoa học của Việt Nam cũng đã giải quyết thành công việc xử lý đất bị nhiễm dioxin do chiến tranh gây ra.

Năm 2013, nhiều doanh nghiệp cũng “mạnh tay” chi kinh phí cho hoạt động KHCN.  Tiêu biểu như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) dành 10% lợi nhuận trước thuế, PVN dành khoảng 2.000 tỷ đồng và nhiều đơn vị khác trong và ngoài nhà nước đã dành kinh phí cho Quỹ phát triển KH&CN. Từ quỹ ấy, họ mời các nhà khoa học tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất và gặt hái được những thành công đáng kể như ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông…

Việc đầu tư thông qua hợp tác quốc tế cũng rất tốt. Năm 2013, Bộ KH&CN đã khởi động dự án FIRST do World Bank tài trợ 100 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 10 triệu USD; dự án đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam giai đoạn hai là 10 triệu euro…

2014 là năm hành động vì KHCN

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, thành tựu quan trọng nhất trong năm 2013 chính là việc Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Qua luật, lần đầu tiên đưa ra quy định doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động KH&CN thông qua việc dành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên cho phép áp dụng cơ chế của quỹ trong việc tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các đề tài, dự án.

Qua luật này, nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể có được những đề tài dự án chất lượng tốt, có kết quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

2014 là năm đầu tiên các tập đoàn nhà nước, các tổng công ty phải bỏ tiền ra đầu tư cho KH&CN từ 3-8% lợi nhuận, tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế...

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung vào các chương trình KH&CN quốc gia, tiến tới giảm bớt chương trình trọng điểm cấp nhà nước.

Trước đây, chúng ta có 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KH&CN và 4 chương trình trọng điểm về xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, do cách quản lý và quan niệm của giới khoa học nên các sản phẩm từ các chương trình này không theo chuỗi, mà dàn trải. Tức là ai có nhu cầu thì đề xuất hỗ trợ nghiên cứu chứ không ghép lại với nhau thành sản phẩm chủ lực.

Mấy năm qua, Bộ KH&CN đã điều chỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt các chương trình quốc gia. Đây là tổ hợp các đề tài dự án mà hướng đến mục tiêu là làm được sản phẩm quốc gia. Ví dụ như việc phải làm sao để chúng ta có được thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế…

Theo Báo Công Thương 

lên đầu trang