Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 10:51

Thứ ba, 07/05/2024 | 10:51

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:38 ngày 25/11/2022

Đề án 844 đặt nền tảng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Là 1 trong 40 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Đề án 844 đang tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để TP.HCM tiếp tục thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
“Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) là một trong những Đề án quan trọng và là nền tảng để TP.HCM triển khai xây dựng các chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố.”. Đây là thông tin do ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) báo cáo tại Hội thảo Khoa học “Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam: Thực trạng và giải pháp”.
Trong những năm qua, trên cơ sở các nội dung tại Đề án 844 và các văn bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung ương, TP.HCM đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đa dạng và đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước, đồng thời đang hình thành và phát triển các mối liên kết với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) báo cáo tham luận tại hội thảo
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 90 cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức tại TP.HCM, thu hút hàng ngàn dự án khởi nghiệp đổi sáng tạo đăng ký tham gia. Trung bình mỗi năm có khoảng 350 dự án được ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo nhà nước. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần. Hơn 3.000 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ trong các khâu hoàn thiện ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tư vấn tài chính, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm... Chỉ tính riêng năm 2021, Việt Nam có 61 thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công với tổng số vốn trên 1,6 tỷ USD thì trong đó TP.HCM có 39 thương vụ với số vốn gọi được là hơn 837 triệu USD - chiếm 50% số vốn và 63% số thương vụ của cả nước (thống kê của nền tảng Cruchbase).
Từ năm 2017 đến nay, Chương trình hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SPEEDUP) đã tuyển chọn hỗ trợ cho 61 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 44,32 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án có vốn đối ứng là 10,03 tỷ đồng (chiếm 42,6%). Trong số hơn 41 dự án đã nghiệm thu, có 02 dự án được nhà đầu tư mua lại, định giá tăng 1,1- 1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của nhà nước, 05 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho nhà nước, 07 dự án huy động được vốn từ các Quỹ đầu tư khoảng 838.000 USD (gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình). Tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí nhà nước hỗ trợ là khoảng 1,84 triệu USD (chiếm 6,1%).
Trong giai đoạn hiện nay, tiếp tục thực hiện Đề án 844, Thành phố đã xây dựng triển khai Đề án “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025” hướng tới mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo củaTthành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính bao gồm: Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; Thành lập và đưa vào hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo TP.HCM; Hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống huấn luyện trực tuyến về năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các hoạt động ươm tạo và kết nối mạng lưới hệ sinh thái; Phát triển các cơ sở ươm tạo theo các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố.
Nguồn: cesti.gov.vn/
lên đầu trang