Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 13:14

Thứ năm, 02/05/2024 | 13:14

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 17:32 ngày 13/12/2022

Lưu ý doanh nghiệp những thay đổi về an toàn thực phẩm của các thành viên WTO

Hàng tháng, các thành viên WTO có rất nhiều thông báo và xin góp ý về sự thay đổi trong kiểm soát, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm và sớm phản hồi.
Tại tọa đàm trực tuyến "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 3/12, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thông tin, hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam đều có những thông báo và góp ý về dự thảo quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS) của các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Theo đó, thường có hàng chục đến hàng trăm thông báo và xin góp ý của các thị trường về sự thay đổi về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm sản xuất và xuất khẩu có các mặt hàng và thị trường được thông báo cần nhanh chóng góp ý về Văn phòng SPS Việt Nam để đơn vị có sự phản hồi, góp ý.
“Theo quy định quốc tế, sau 60 ngày gửi thông thông báo, các nước không có phản hồi, góp ý thì những thay đổi đó sẽ được tự động áp dụng. Như vậy, nếu những thay đổi đó có tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam mà không được phản hồi kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp”, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Năm 2022, trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động  đánh dấu những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản. Nhờ sự phối hợp hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ban ngành, doanh nghiệp đã có nhiều loại nông sản được các thị trường khó tính chấp nhận.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã liên tiếp ký các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang Trung Quốc như: chanh leo, chuối, sầu riêng, khoai lang, tổ yến…
Mới đây, Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép xuất khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam; trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản,…
Những kết quả trong việc mở cửa thị trường đã góp phần giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ về sự thành công của nông sản Việt Nam năm 2022, ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức song ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục. Đó là kết quả của quá trình tích luỹ nhiều năm từ sự bền vững của ngành nông nghiệp.
Trước đây, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn, điều này vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa được một loạt các mã trồng xuất khẩu vào Trung Quốc.
Thành tựu mở cửa thị trường bên cạnh từ sự tích lũy trong nhiều năm của ngành, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cũng đánh giá cao sự nỗ lực, uy tín của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại kịp thời cũng là một yếu tố giúp cho việc “bẻ khóa thị trường tốt hơn”.
Với thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cho biết, đến thời điểm này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.430 mã số sản phẩm xuất khẩu của khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam. So với các nước trong khu vực thì đây là con số tương đối lớn.
“Con số trên thể hiện sự đáp ứng khá tốt của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chúng ta đã có sự chuẩn bị tương đối tốt với các quy định của Trung Quốc”, ông Ngô Xuân Nam đánh giá.
Tuy nhiên theo ông Ngô Xuân Nam, đây mới chỉ là khâu để Trung Quốc cấp phép, còn để đáp ứng thị trường , với các doanh nghiệp đăng ký nhanh đã được cấp mã số xuất khẩu năm 2021 cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trước ngày 30/6/2023. Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất đáp ứng tốt Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, bởi đây là vấn đề Trung Quốc đặc biệt quan tâm.
Sau khi đưa sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, giá bán sầu riêng của Chánh Thu không thua kém các thương hiệu của Thái Lan. Đây là bước đệm và năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của Chánh Thu, nhất là sản phẩm sầu riêng. Doanh nghiệp sẽ tăng liên kết với nông dân, hợp tác xã để tăng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều hơn cho thị trường Trung Quốc.
Tiếp nối thành công 2022, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, đơn vị tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam để mở cửa thị trường. Ví dụ thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục với sản phẩm cây có múi như: cam, bưởi. Với thị trường các nước phát triển như Mỹ sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa; Australia là chanh dây…/.
Theo bnews.vn
lên đầu trang