Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:34

Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:34

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:30 ngày 14/04/2023

Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phát triển lĩnh vực Công nghiệp điện tử Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2020, số lượng các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương lĩnh vực điện tử - tự động hóa có 53 nhiệm vụ. Các đề tài này đã phần nào bám sát các xu hướng nghiên cứu chung về ngành điện tử trên thế giới. Dựa trên những nền tảng đó, việc ưu tiên phát triển công nghệ nền như: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning,… sẽ là định hướng chung cho giai đoạn tiếp theo. 
Trong giai đoạn giai đoạn 2016 - 2020, nền công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều phụ thuộc
Công nghiệp điện tử Việt Nam là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đối với các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong giai đoạn năm 2016-2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. (Ảnh minh họa: consosukien.vn/)
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.
Sản phẩm chính của công nghiệp điện tử của Việt Nam chủ yếu là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, tivi lắp ráp, máy tính bảng, máy vi tính và linh kiện cùng với các thiết bị máy văn phòng… Sản xuất sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia chi phối.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ bằng 1/3 tổng số doanh nghiệp công nghiệp điện tử tại Việt Nam nhưng từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp này đã chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và bao phủ 80% nhu cầu thị trường trong nước. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm, chưa có nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN gắn với thực tiễn sản xuất, giải quyết bài toán phụ thuộc yếu tố ngoại nhập
Hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện tử trong giai đoạn 2016-2020 chủ yếu đi theo 02 hướng chính là các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Bộ Công Thương chủ yếu triển khai các nghiên cứu theo hướng ứng dụng. Ngoài ra, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, hàng năm nhóm các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chiến lược chính sách vẫn được Bộ Công Thương giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện. 
Trong giai đoạn từ 2016÷2020, số lượng các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương lĩnh vực điện tử - tự động hóa có 53 nhiệm vụ bao gồm các lĩnh vực như: chiến lược chính sách, ứng dụng IoT trong công nghiệp, chế tạo robot, xây dựng các phép đo lường, điều khiển, tích hợp hệ thống… Các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương đã phần nào bám sát các xu hướng nghiên cứu chung về ngành điện tử trên thế giới. 
Một số nhiệm vụ mang tính ứng dụng trong công nghiệp, dưới sự hỗ trợ từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp tạo nên các dòng sản phẩm mới cho các đơn vị, tạo nguồn thu ổn định như: Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo hệ thống thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và ứng cứu sự cố trong hầm lò” của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện năm 2017. Đây là một nhiệm vụ trong số chùm các nhiệm vụ liên quan đến “Hệ thống điều khiển tích hợp dùng trong khai thác than hầm lò”.
Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại công ty cổ phần trà Than Uyên”. Dự án được Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động thực hiện toàn bộ từ khâu thiết kế, xây dựng hệ thống, trang thiết bị với mức độ tự động hóa cao, được ứng dụng vào thực tế tại Công ty cổ phần trà Than Uyên từ tháng 6 năm 2020 đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. 
Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại Công ty CP Trà Than Uyên giúp công đoạn vò chè được tự động hóa 100%. (Nguồn ảnh: moit.gov.vn/)
Chùm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ liên quan đến nghiên cứu, tích hợp hệ thống đã được Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp triển khai thực hiện “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy đóng gói tự động trà dược thảo túi lọc phục vụ xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn EU” và “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nghiền cao dược khô, công suất đến 400 kg/h, dùng để bào chế thuốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong ngành dược” là hai trong nhóm các nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình KHCN Tây Bắc của Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp. 
Hay dự án sản xuất thử nghiệm: “Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc”, mã số KHCN-TB.DA02/13-18. Sản phẩm của dự án đã ứng dụng trực tiếp vào sản xuất phục vụ chế biến, bảo quản nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân địa phương, trình độ của dây chuyền đều ở dạng tự động và bán tự động tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu. 
Hoặc có thể kể đến nhiệm vụ “Thiết kế chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy” do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa triển khai thực hiện năm 2020. Kết quả của việc nghiên cứu, thiết kế này là đã xây dựng được “Hệ thống AI kiểm tra sản phầm bằng hình ảnh”. 
Các nghiên cứu khoa học và công nghệ nhóm ngành điện tử, tự động hóa trong giai đoạn 2016-2020 được đánh giá là có nhiều nội dung gắn với thực tiễn sản xuất. Các sản phẩm nghiên cứu đều được ứng dụng và được đánh giá tốt. Nội dung nghiên cứu đã cố gắng bám sát xu hướng chung của công nghiệp điện tử thế giới về ứng dụng tích hợp hệ thống (hệ thống tự động hóa sản xuất chè; Hệ thống sản xuất trà, bột dinh dưỡng từ táo mèo), thiết kế hệ thống đo lường tiên tiến (đo quang học) kết hợp với công nghệ AI, sản xuất robot phục vụ quảng cáo...
Ưu tiên phát triển công nghệ nền như: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning,... trong giai đoạn tiếp theo
Trong giai đoạn tiếp theo, các công nghệ ưu tiên nghiên cứu phát triển trong thời gian tới có thể kể đến như các công nghệ nền, công nghệ cơ sở của cách mạng công nghiệp 4.0: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning,…; Các công nghệ đo lường hiện đại: Đo bằng quang học, Laser, Hồng ngoại, Radar, Siêu âm; Phương pháp đo tiếp xúc, đo không phá hủy; Các công nghệ xây dựng hệ thống đo lường, điều khiển thông minh; Các công nghệ truyền thông tiên tiến; Công nghệ điện tử công suất và hệ thống nhúng; Nhà máy điện tử thông minh.
Việc áp dụng các công nghệ nền của cách mạng công nghiệp 4.0: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning... sẽ phù hợp với xu hướng sản xuất chính trong ngành công nghiệp điện tử trên thế giới bao gồm (Ảnh minh họa: karofi.com/)
Đối với các sản phẩm được phân chia theo các lĩnh vực ứng dụng như sau: 
Lĩnh vực Công nghiệp: Thiết bị phục vụ khai thác mỏ (Bộ liên lạc hữu tuyến hầm lò; Hệ thống quan trắc trực tuyến để cảnh báo và ngăn ngừa sớm hiện tượng cháy nội sinh trong khai thác than hầm lò; Hệ thống quan trắc trực tuyến và cảnh báo lún, nén mỏ hầm lò).
Lĩnh vực năng lượng (Hệ thống phục vụ giám sát trạm biến áp (TBA) cho ngành điện: Hệ thống giám sát dòng rò online cho chống sét van trong các TBA; Thiết bị phát hiện đánh lửa trong các TBA; Thiết bị đo sắc ký di động để chẩn đoán tình trạng MBA; Mô hình smart grid phục vụ nghiên cứu và đào tạo); Hệ thống giám sát môi trường: Hệ thống quan trắc khí thải tự động ứng dụng trong ngành công nghiệp Hóa chất; Hệ thống quan trắc khí thải trên ống khói trong các ngành sản xuất công nghiệp khác; Hệ thống quan trắc môi trường nước, môi trường đất.
Lĩnh vực Robot và robot vision: Chế tạo các sản phẩm robot hoặc ứng dụng công nghệ robot vision, machine vision, ... như: máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ quét chùm sáng cấu trúc và công nghệ thị giác máy; Xe vận chuyển hàng hoá tự hành (AGV); Máy phay CNC 5 trục tạo mẫu hàm răng và cắt biên khay niềng răng; Máy in 3D khổ lớn tích hợp scanner 3D; Robot di chuyển trên đường dây truyền tải điện cao thế 220kV nhằm phục vụ công tác kiểm tra, sửa chữa.
Lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao: Hệ thống điều khiển nhà nuôi gà thông minh ứng dụng IoT và thị giác máy, AI; Hệ thống quản lý và hỗ trợ cung cấp thức ăn tự động cho trang trại bò sữa sử dụng công nghệ IoT; Hệ thống quan trắc trực tuyến các thông số thổ nhưỡng ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực CNTT: Thiết bị Cloud IoT Gateway; Phần mềm nền tảng cho các ứng dụng thu thập, giám sát dữ liệu từ xa sử dụng công nghệ điện toán đám mây; Thư viện các đối tượng phần mềm phục vụ phát triển ứng dụng giám sát, điều khiển từ xa trên nền web; Nền tảng Blockchain cung cấp các dịch vụ đa dạng gồm quản lý giao dịch, quản lý giám sát chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Lĩnh vực trang thiết bị y tế: Thiết bị tích hợp rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô có khả năng tự kiểm tra ứng dụng trong các cơ sở y tế; Tủ ấm nuôi cấy vi sinh sử dụng trong các phòng Lab, các nhà máy sản xuất vacxin…
Phương Loan
lên đầu trang