Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 20:01

Thứ năm, 18/04/2024 | 20:01

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:57 ngày 26/05/2023

Phát huy thế mạnh khoa học công nghệ tại Trường Đại học Điện lực

Với định hướng trở thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Điện lực đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cho ra đời các sản phẩm phù hợp với yêu cầu người dùng.
Theo chia sẻ của đại diện Trường Đại học Điện lực, xác định nhiệm vụ trọng tâm trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của ngành năng lượng nói riêng và xã hội nói chung trong công cuộc hiện đại hóa và phát triển bền vững. Thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã có nhiều bước đi đột phá, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với chương trình giáo dục, đào tạo; cho ra đời các sản phẩm công nghệ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đề ra.
Mô hình "Máy bay không người lái phun lửa đốt rác trên đường dây cao thế" do đội ngũ chuyên gia EPU nghiên cứu và phát triển (Ảnh: epu.edu.vn/)
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2018 - 2023, Trường Đại học Điện lực đã thực hiện nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp như: cấp trường, cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cấp Sở Khoa học và Công nghệ, cấp Bộ Công Thương và cấp Nhà nước, với nhiều đề tài nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Trong đó có 01 nhiệm vụ của Đề án 844 "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025"; 08 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nếu chỉ tính riêng trong năm học 2021 - 2022, đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Điện lực đã thực hiện tổng cộng 28 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước, 01 đề tài Nghị định thư và 4 đề tài cấp bộ/tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, trong đợt đại dịch Covid-19, nhóm nghiên cứu của khoa Điện tử Viễn thông đã hoàn thành thiết kế, chế tạo và kịp thời cho ra đời hai phiên bản máy trợ thở không xâm nhập với giá thành thấp, gọn nhẹ, dễ sử dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam và sản phẩm được chia sẻ rộng rãi với mục đích vì cộng đồng, phi lợi nhuận. Qua đó góp phần làm giảm tải áp lực thiếu máy trợ thở trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra căng thẳng và khó lường.
Cũng trong hoạt động nghiên cứu, các kết quả thu được sau khi thực hiện đề tài của viên chức, giảng viên trong nhà trường còn được tiến hành công bố trên 1.565 bài báo ở các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 444 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Trong đó, số lượng bài báo quốc tế trên các tạp chí uy tín (thuộc danh mục WoS/Scopus) tăng gấp 3,5 lần, từ 35 bài năm 2018 lên 121 bài năm 2022, góp phần nâng cao vị thế và khẳng định chất lượng của Trường Đại học Điện lực trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước. 
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của đội ngũ chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu, công tác đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Điện lực cũng luôn được các cấp lãnh đạo nhà trường theo sát, quan tâm kịp thời. Hàng năm, nhà trường luôn tổ chức những cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa và nhà trường; ghi nhận lượng lớn đề tài nghiên cứu được thực hiện, có giá trị ứng dụng cao. Trong đó có thể kể đến đề tài “Thiết bị lắp ráp bu-lông đai ốc tự động” do nhóm sinh viên Trường Đại học Điện lực thiết kế chế tạo, đạt giải 3 chung cuộc cuộc thi “Công nghệ trí tuệ Student Chie-Tech 2021” hay mới nhất là Dự án “AppKbus - chuyển đổi số trong ngành vận tải du lịch” có sự tham gia của sinh viên Trường Đại học Điện lực đã đạt Giải nhì Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên lần thứ V được tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Trường Đại học Điện lực còn tiến hành tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm, Hội nghị để chia sẻ những kết quả nghiên cứu, tiến hành trao đổi, tham vấn để đưa các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn. Nổi bật nhất cho hoạt động này chính là việc tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về chuyển dịch năng lượng vào tháng 5/2022, ghi nhận sự đóng góp và tham dự của 78 cơ quan, tổ chức, đơn vị với gần 300 đại biểu và các nhà khoa học. Qua đó giúp cung cấp những thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng đào tạo và nghiên cứu ở Pháp và thế giới; chính sách phát triển năng lượng tại Việt Nam; chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong chuyển dịch năng lượng và một số định hướng chính sách thích ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam...
Các chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo quốc tế về chuyển dịch năng lượng vào tháng 05/2022 (Ảnh: epu.edu.vn/)
Trong năm 2023, Trường Đại học Điện lực sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế khác, với chủ đề “Môi trường và Kỹ thuật điện hướng tới chuyển đổi năng lượng”. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính, bao gồm: Chính sách năng lượng, thị trường điện và các quy định, tiêu chuẩn; Năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ; Hệ thống điện và Lưới điện thông minh; Hệ thống tích hợp các nguồn năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Để có được những thành công trên, bên cạnh những định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo nhà trường là vai trò không thể thiếu của đội ngũ cán bộ giảng viên tại Trường Đại học Điện lực. Hiện nay, nhà trường đã quy tụ được đông đảo đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy với tất cả các ngành, lĩnh vực với 4 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 125 Tiến sĩ và 246 Thạc sĩ. 100% giảng viên của trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo.
Đồng thời, cơ sở vật chất của nhà trường cũng luôn được chú trọng, đảm bảo tạo ra không gian học tập tốt nhất cho sinh viên. Mới nhất, Trường Đại học Điện lực đã tăng cường đầu tư xây dựng 131 phòng học lý thuyết có tổng diện tích 17.602 m2, trang bị đầy đủ các thiết bị như máy chiếu, âm thanh và 01 thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách giấy và cả sách điện tử. Qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của viên chức và người lao động, học viên, sinh viên...toàn trường.
Ngoài ra, hoạt động giao lưu, hợp tác với đối tác trong và ngoài nước cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công chung cho hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Điện lực. Hiện nay, nhà trường đã có thiết lập mối quan hệ hợp tác với hàng loạt các trường đại học, cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới như: Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Deakin, Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý), Đại học Fukui, Đại học Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Bách khoa Quế Lâm, Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Thành Đô (Trung Quốc), UNITEN (Malaysia), Đại học Năng lượng Quốc gia Kazan (Nga), Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh (Vương quốc Anh)… Cùng với đó, hợp tác với các doanh nghiệp cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của nhà trường trở thành những công cụ có ích trong sản xuất, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Điện lực với đối tác quốc tế (Ảnh: epu.edu.vn/)
Trong thời gian tới, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển đề tài khoa học công nghệ sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được Ban lãnh đạo Trường Đại học Điện lực quan tâm thúc đẩy, trở thành thế mạnh của nhà trường trong công tác giáo dục - đào tạo. Qua đó góp phần xây dựng Trường Đại học Điện lực thành trường đại học hàng đầu trong nước về lĩnh vực năng lượng, đạt đẳng cấp khu vực vào năm 2030
Đình Vũ
lên đầu trang