Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 18:26

Thứ hai, 06/05/2024 | 18:26

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:55 ngày 26/05/2023

Công nghệ in 3D và một số ứng dụng trong thực tiễn

Sáng ngày 23/5 tại Tp. Hồ Chí​ Minh, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Công nghệ in 3D và một số ứng dụng trong thực tiễn”
Toàn cảnh Hội thảo 
Mở đầu buổi hội thảo, ThS. Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và công nghệ Tp.HCM cho biết: Công nghệ in 3D còn gọi là công nghệ sản xuất bồi đắp là phương thức mới để sản xuất sản phẩm bằng cách tạo ra từ các khối vật liệu bằng mô hình 3D. Quá trình in 3D được bắt đầu bằng việc sử dụng phần mềm thiết kế hoặc phần mềm quét để tạo ra mô hình 3D của đối tượng cần sản xuất. Sau đó máy in sẽ đọc tệp mô hình và tiến hành sản xuất bằng cách xếp các lớp vật liệu lên nhau. IN 3D được xem là công nghệ in tiên tiến và đầy tiềm năng của thế kỷ XXI, ghi nhận sự phát triển sôi động trên thế giới và ứng dụng được trong hàng loạt lĩnh vực từ: sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, nghệ thuật và cả y học...
"Thị trường in 3D toàn cầu ước đạt giá trị 15 tỷ USD vào năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến sẽ đạt 34,5 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép 18,1%. Sự phát triển của in 3D được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng của các ngành, đặc biệt là của các ngành sản xuất, chế tạo vật liệu. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, tại Việt Nam, việc phát triển công nghệ in 3D cũng đã nhanh chóng được triển khai, với nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ in 3D đã được các doanh nghiệp, trường đại học thành lập tại Việt Nam, nhằm cung cấp các dịch vụ và đào tạo nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này" - ThS. Nguyễn Đức Tuấn cho biết thêm.
ThS. Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và công nghệ Tp.HCM chia sẻ tại Hội thảo
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, cải thiện chất lượng sản phẩm. Trong đó có thể điểm qua một số tên tuổi lớn như: các tổ hợp sản xuất ô tô của Trường Hải Thaco, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổ hợp công nghiệp điện tử Samsung Việt Nam, các công ty giày dép thời trang… đều có cho mình những cơ sở để triển khai việc ứng dụng in 3D trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, công nghệ in 3D cũng đã được xác định trong định hướng phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, được quy định rõ tại Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/5/2022 “Ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”. Điều này cho thấy công nghệ in 3D là nội dung đang rất được quan tâm bởi cả cơ quan chức năng cho đến doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân. 
"Do đó, Hội thảo “Công nghệ in 3D và một số ứng dụng trong thực tiễn” được tổ chức lần này sẽ nhằm phác họa rõ hơn bức tranh toàn cảnh về công nghệ in 3D trong thực tiễn ứng dụng tại Việt Nam cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D vào một số lĩnh vực cụ thể như xây dựng, y học, giáo dục…” - ThS. Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh.
Bổ sung thêm cho những chia sẻ của ThS. Nguyễn Đức Tuấn, ThS. Nguyễn Thị Minh Thư - Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp.HCM cho rằng, trên thực tế, công nghệ in 3D đã và đang rất phát triển ở Việt Nam, với nhiều đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 31/12/2022 có 61 tài liệu sáng chế đề cập đến công nghệ in 3D tại Việt Nam. Trong đó có 9 đề tài có chủ thể đăng ký sáng chế là người Việt Nam, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực gồm: vật liệu in 3D; thiết bị in và các bộ phận liên quan. Đáng chú ý, có 2 đề tài sáng chế đã được cấp bằng bảo hộ gồm: Đề tài “hệ thống gia cố độ kết dính lớp cho bản in 3D” do tác giả Bùi Cảnh Minh, Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện; đề tài “Phương pháp chế tạo vật liệu cầm máu trên cơ sở collagen từ vảy cá được biến tính hóa học” do tác giả Nguyễn Thúy Chinh, THái Hoàng, Hoàng Trần Dũng (Viện Kỹ thuật nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện.
Ngoài ra, theo ThS. Nguyễn Thị Minh Thư nhận định, quá trình phát triển của công nghệ in 3D tại Việt Nam thực tế không hề chậm hay thua kém so với thế giới, do công nghệ này dù đã được phát triển từ năm 1986 tại Mỹ, nhưng phải cho đến những năm 2010, đặc biệt từ sau 2014 trở đi, công nghệ in 3D mới thực sự phát triển với hàng loạt kết quả nghiên cứu, ứng dụng được đăng ký bảo hộ tại các quốc gia. Trên cơ sở đó, ThS. Nguyễn Thị Minh Thư cho rằng đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và phát triển nghiên cứu về công nghệ in 3D, qua đó giúp nâng cao tính cạnh tranh trong chi phí, thời gian và năng suất phát triển sản phẩm, góp phần không nhỏ cho quá trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế của doanh nghiệp cũng như cả nước. 
Nối tiếp phần chia sẻ của các đại biểu là phần trình bày nghiên cứu và tham luận về công nghệ in 3D và khả năng ứng dụng của công nghệ in 3D trong một số lĩnh vực đời sống gồm: “Xu hướng công nghệ in Xu hướng công nghệ in 3D trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế” do ThS. Nguyễn Thị Minh Thư, Chuyên viên phân tích thông tin, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM trình bày; “Công nghệ FDM – Hiện trạng và tương lai”  do PGS.TS. Thái Thị Thu Hà, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống trình bày; “Ứng dụng in 3D trong công trình xây dựng” do PGS.TS. Trần Văn Miền, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày; “Vận dụng công nghệ Deep Learning trong công nghệ in 3D” do GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Viện công nghệ Cirtech (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) trình bày;“Nghiên cứu ứng dụng in 3D trong chế tạo vỏ tàu cao tốc cỡ nhỏ hoạt động trong vùng nước thủy nội địa Việt Nam” do TS. Đỗ Hùng Chiến, Phó Viện trưởng Viện Hàng hải - Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM trình bày“Xu hướng ứng dụng công nghệ in 3D cho tối ưu hóa thiết kế và hiệu quả sản xuất" do ông Phạm Văn Hoài, TGĐ Thinksmart Group trình bày.
Các chuyên gia chia sẻ nghiên cứu về công nghệ in 3D tại Hội thảo
Ngoài ra, Hội thảo còn ghi nhận phần chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu của ngành y về việc ứng dụng công nghệ in 3D trong y học và chữa trị cho con người như: “Vai trò của công nghệ in 3D trong y học” do GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, Trưởng bộ môn Chấn thương chỉnh hình, đại học VinUniversity, Giám đốc Trung tâm công nghệ 3D trong Y học, đại học VinUniversity trình bày; “Ứng dụng CN in 3D trong điều trị chấn thương, chỉnh hình” do ThS. Huỳnh Hữu Nghị, Trưởng PTN CAD CAM và in 3D, Khoa Cơ Khí - Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM trình bày và “Ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo vật liệu y sinh” do TS. Nguyễn Thúy Chinh, Nghiên cứu viên chính- Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trình bày.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tiềm năng ứng dụng công nghệ in 3D trong một số lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là khá cao và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất ở thế kỷ XXI. Do đó, để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu cần phải nhanh chóng đưa vào giảng dạy những ứng dụng của công nghệ in 3D trong thực tế sản xuất, kinh doanh cũng như tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm các phương pháp sản xuất mới từ công nghệ đặc biệt này. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển công nghệ in 3D đối với ngành nhựa kỹ thuật trong tương lai, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng sản xuất vật liệu bền vững cho ngành nhựa nói riêng và các ngành sản xuất của Việt Nam nói chung. 
Đình Vũ
lên đầu trang