Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 12:42

Thứ năm, 02/05/2024 | 12:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:31 ngày 07/06/2023

Khơi thông điểm nghẽn phát triển khoa học và công nghệ

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, địa phương và doanh nghiệp. Giữa tuần tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sẽ lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, đưa ra những giải pháp khơi thông, tạo động lực cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.
8/11 mục tiêu đã đạt được, còn 3 mục tiêu chưa đạt
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Bộ KH và CN Huỳnh Thành Đạt. Nguồn: quochoi.vn
Kết thúc kỳ thực hiện Chiến lược, có 8 mục tiêu quan trọng trên tổng số 11 mục tiêu đã đạt được là: Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC/GDP; Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ; Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ/một vạn dân; Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; Số cơ sở ươm tạo CNC và doanh nghiệp CNC; và Số lượng kỹ sư đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất CNC trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước. Còn 3 mục tiêu chưa đạt được là: Tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ; Số tổ chức nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; Số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chiến lược còn những tồn tại, hạn chế như: hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến. Còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của khoa học và công nghệ; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh như vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Báo cáo cũng cho biết, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành hoặc chưa được ban hành, chưa phản ánh đặc thù hoạt động khoa học và công nghệ. Hệ thống văn bản pháp luật về phân bổ, sử dụng NSNN cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn phức tạp, cồng kềnh và liên tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan (nhất là ở địa phương và doanh nghiệp) gặp nhiều khó khăn trong việc quán triệt, áp dụng.
Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hoá. Các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao; chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo. Mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu...
Kịp thời điều chỉnh mang tính chiến lược chính sách khoa học công nghệ
Hai chỉ tiêu chưa đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đều liên quan đến 2 trong 3 khâu đột phá chiến lược là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực, bên cạnh đột phá chiến lược về thể chế. Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, đã đến lúc cần suy xét kỹ lưỡng, kịp thời nghiên cứu để có những điều chỉnh mang tính chiến lược các chính sách liên quan đến sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực trong các ngành, nghề.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) cũng cho rằng, để khoa học và công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đầu tư nguồn lực, tạo động lực và điều kiện thích đáng cho lĩnh vực này. Sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. “Chính phủ, Quốc hội cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học - công nghệ cho thị trường khoa học - công nghệ”, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) khẳng định, việc lựa chọn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ để chất vấn là rất trúng và đúng, bởi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều bất cập trong chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần sớm được tháo gỡ. Nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng chưa thực sự lan tỏa trong toàn xã hội. Nhận thức về rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học cũng chưa thực sự được chấp nhận trong thực tiễn.
Vì thế, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học, công nghệ, qua đó Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ có những giải pháp quyết liệt, khả thi và đột phá để gỡ điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.
Nguồn: dbndnghean.vn/
lên đầu trang